Xã hội

Ngành sư phạm và sức hút từ chính sách

Phạm Tuấn 23/08/2024 03:00

Có nhiều nguyên nhân khiến điểm chuẩn đầu vào của ngành sư phạm năm nay cao, trong đó có cả những thay đổi về chính sách, ngân sách cho ngành giáo dục.

Đã xa rồi cái thời người ta truyền nhau câu “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”, rồi “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm” để nói đến sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ một thời. Năm nay, điểm chuẩn thi đầu vào của ngành sư phạm đặc biệt cao lên tới gần 30 điểm cho 3 môn. Khoa Sư phạm ngữ văn và Sư phạm lịch sử của trường Đại học sư phạm Hà Nội lấy điểm tới 29,3 điểm, như vậy ba môn đều phải 9,8 điểm mới có cơ hội trúng tuyển, gần như phải đạt điểm tuyệt đối mới được nhận vào trường.

supham.jpg

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, số điểm này gần như là không tưởng khi ngày ấy tỉ lệ theo học đại học sau khi tốt nghiệp cấp 3 chỉ là 4 đến 5 %. Số học sinh thi đỗ đại học chủ yếu dồn vào hai lớp chuyên, chọn khối khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Vậy mà ngày nay học sinh có thể làm văn, làm bài lịch sử, địa lý đạt số điểm xấp xỉ điểm tuyệt đối thực sự là đáng thán phục.

Phải thực sự xuất sắc mới có thể đủ điểm vào ngành sư phạm, chất lượng đầu vào thực sự đáng mừng. Chứ như thời các trường đại học bùng lên, mở ra như nấm sau mưa, học sinh tốt nghiệp cấp 3 chỉ cần đi gần cổng trường đại học nào là có nguy cơ bị “bế” vào, 3 môn 9 điểm cũng vào được đại học, để việc bội thực giáo dục đại học làm cho bao nhiêu người học xong cất bằng, đi làm công việc chân tay xách xô, vác xi, chạy Grab… lãng phí chuyên môn được đào tạo bởi cung vượt cầu và chất lượng, hiệu quả của tấm bằng đại học không cao.

Bây giờ học đại học là cả bài toán lớn về chi phí, 4 năm học với học phí, tiền ăn, tiền trọ, tiền đi lại… sẽ là gánh nặng của những gia đình có mức thu nhập trung bình nếu nuôi con học đại học mà khi ra trường cơ hội việc làm với thu nhập xứng đáng với khoản đầu tư.

Học sư phạm sau ra làm giáo viên về cơ bản cũng là một ngành nghề để mưu sinh. Nhưng đặc thù của ngành giáo dục là ngành có trách nhiệm to lớn đối với tương lai của đất nước, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý khi họ nhận trách nhiệm “trồng người” không chỉ đào tạo tri thức, kiến thức, kĩ năng mà còn dạy cho học sinh đạo đức, lối sống, trách nhiệm… để hoàn thiện nhân cách cho thế hệ tương lai.

Sản phẩm của ngành giáo dục rất đặc thù liên quan đến cả sự tồn vong của quốc gia, an nguy của dân tộc. Một bác sĩ kém chuyên môn lỡ tay cũng chỉ làm chết một hoặc vài người. Người thợ lành nghề có lúc như bị ma xui quỷ khiến làm hỏng một hoặc vài sản phẩm quen tay. Nhưng người thầy mà giáo dục không đúng cách sẽ làm hỏng cả một thế hệ học trò. Học sinh có thể có đủ kiến thức, kĩ năng nhưng lại trắng trong óc, trắng trong tim, không coi trọng lịch sử, biết ơn tiền nhân thì nguy cơ suy thoái tư tưởng, đạo đức thì cực kỳ nguy hiểm.

Việc điểm chuẩn vào khối sư phạm có đầu vào cao như vậy chứng tỏ việc lựa chọn nghề nghiệp làm giáo viên của thế hệ trẻ có sự thay đổi lớn, đẩy mạnh tính cạnh tranh để tìm cơ hội vào trường. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những thay đổi về chính sách, ngân sách cho ngành giáo dục từ kiến trúc thượng tầng.

Bộ Chính trị yêu cầu hệ thống lương cho cán bộ viên chức ngành giáo dục phải cao nhất trong hệ thống ngạch bậc lương của khối hành chính, sự nghiệp, thể hiện rõ sự coi trọng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Chi phí từ tổng ngân sách sẽ chi tối thiểu 20% cho giáo dục đào tạo, như vậy chắc chắn mức lương của giáo viên trong tương lai sẽ được cải thiện như Nghị quyết số 29-NQ/TW đề ra.

Trong tương lai sẽ có rất nhiều nghề nghiệp bị thay thế bởi sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo AI nhưng chắc chắn ngành sư phạm còn lâu mới có thể thay thế được. Không có trí tuệ nhân tạo nào dạy được học sinh tình yêu đất nước, cha mẹ, người thân, thầy cô, bạn bè. Không trí tuệ nhân tạo nào có thể tạo lên lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, thái độ sống và nhân cách con người.

Còn vấn đề nữa đó là thí sinh chọn thi vào khối khoa học xã hội hiện đang mất cân đối với khối khoa học tự nhiên. Năm 2024, trong số hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tuyển đại học, cao đẳng thì có tới hơn 60% đăng ký khối khoa học xã hội, chỉ có trên 30 % đăng ký thi khoa học tự nhiên. Việc này sẽ dẫn tới việc mất cân đối ngành nghề trong tương lai.

Khoa học xã hội thiên về khoa học lý thuyết, còn khoa học tự nhiên lại mạnh về khoa học thực hành như âm với dương phải hài hoà, bổ trợ cho nhau mới phát triển bền vững được. Nếu thiếu cán bộ kĩ thuật, kĩ sư cơ khí, chế tạo máy, luyện kim, thiết kế, xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử… thì khó mà phát triển được xã hội thông tin và nền kinh tế trí thức. Và việc định hướng ngành nghề này lại quay trở về từ công tác giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành sư phạm và sức hút từ chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO