Đối thoại, chuyển đổi số, cắt giảm TTHC, nộp thuế điện tử, hoá đơn điện tử… là những giải pháp ngành Thuế tỉnh Hà Nam đang quyết liệt triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
>>> Hà Nam nâng cao PCI từ những mục tiêu cụ thể
Lắng nghe tiếng nói người nộp thuế
Đối thoại và lắng nghe ý kiến người nộp thuế là hoạt động được Cục Thuế tỉnh Hà Nam thường xuyên quan tâm, duy trì tổ chức với nhiều hình thức khác nhau. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các doanh nghiệp đồng loạt triển khai thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thời gian qua.
Ông Nguyễn Quang Hệ, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam cho biết, việc đối thoại nhằm đồng hành, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách, thủ tục hành chính thuế, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh tỉnh Hà Nam công bằng, minh bạch hơn.
Theo ông Hệ, một năm Cục Thuế tổ chức ít nhất hai cuộc đối thoại (Quý I và Quý III) để lắng nghe doanh nghiệp, trao đổi khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chính sách thuế. Đồng thời, triển khai các hội nghị tập huấn chính sách thuế mới, hội nghị hỗ trợ quyết toán thuế một cách linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến, thu hút được đông đảo người nộp thuế tham dự. Thông qua các Hội nghị trên, cơ quan thuế đã lắng nghe các doanh nghiệp bày tỏ chính kiến trong xây dựng chính sách thuế mới; công tác quản lý thuế của ngành; nắm thông tin liên quan đến công tác phục vụ của cán bộ, công chức ngành thuế, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế và kịp thời hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật thuế của người nộp thuế.
“Đó là cách tiếp cận được Cục Thuế tỉnh Hà Nam duy trì triển khai nhiều năm qua, mang lại những hiệu quả thiết thực, hạn chế được những sai sót, giúp người nộp thuế yên tâm trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tốt cho Ngân sách nhà nước”, Phó Cục trưởng Nguyễn Quang Hệ cho hay.
Trong năm 2023, toàn ngành Thuế tỉnh Hà Nam đã tổ chức 07 hội nghị tập huấn kết hợp 05 hội nghị đối thoại với người nộp thuế như: Hội nghị hỗ trợ Quyết toán thuế năm 2022; Hội nghị tập huấn triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền; Hội nghị tập huấn chính sách thuế mới ban hành năm 2023; Hội nghị hướng dẫn người nộp thuế sử dụng Etax Mobile, hộ kinh doanh cá nhân kinh doanh thực hiện đăng ký tài khoản điện tử và nộp thuế điện tử…
Đặc biệt, ngày 15/3/2024 vừa qua, Cục Thuế cũng đã triển khai Hội nghị hỗ trợ quyết toán thuế năm 2023 với sự tham dự của hơn 250 doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh. Đây là Hội nghị được Cục Thuế tổ chức thường niên nhằm hỗ trợ người nộp thuế trên địa bàn tỉnh trong thực thi chính sách, pháp luật thuế; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế trong việc thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trước những thay đổi của các chính sách thuế, ông Nguyễn Quang Hệ, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam cho biết: “Ngành thuế cam kết đồng hành cùng tất cả doanh nghiệp; luôn lắng nghe những tâm tư, phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến các chính sách thuế mới để cùng doanh nghiệp phát triển, cũng như để công tác quản lý thuế ngày một tốt hơn”.
Nhiều chính sách thuế thay đổi khiến công tác kê khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp gặp khó khăn, là điều không thể tránh khỏi. Theo đó, để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế, ngành luôn duy trì nhiều kênh thông tin, tuyên truyền các chính sách thuế, như thông qua tin nhắn, văn bản, hỏi - đáp trực tiếp bằng điện thoại,… để hỗ trợ, phục vụ nhanh nhất cho doanh nghiệp và người nộp thuế.
“Số hóa” để phục vụ tốt hơn
Chia sẻ rõ hơn về chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Quang Hệ, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hà Nam cho biết, trong những năm qua, theo chủ trương chung của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, ngành thuế tỉnh Hà Nam luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung. Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro mất mát hóa đơn trong khâu vận chuyển, giao nhận, tranh chấp, kiện tụng khi thất lạc.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hệ, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp một các kịp thời, nhanh chóng, tiện lợi và thông minh.
Việc tổ chức tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp mới thành lập cũng được cơ quan Thuế xử lý nhanh chóng. Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc gửi thông báo điện tử trực tiếp đến doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
>>> Tuân thủ thuế - Cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quản lý
>>> Cân nhắc giảm thuế VAT 2% cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ
Ông Trần Vũ Nhật, Tổng Giám đốc công ty TNHH S-TEC Vina (Khu công nghiệp Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng) đánh giá việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm thiểu tối đa các quy trình phát hành hóa đơn và các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn.
Ông Nhật cho rằng, việc ngành thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế đã thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian, công sức trong việc lập, hạch toán, đối chiếu dữ liệu, nhận, gửi hóa đơn và giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc mất mát hóa đơn.
Có thể nhìn thấy, đến nay công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Nam, chuyển đổi số vẫn còn ở phía trước, đòi hỏi sự chuyển mình liên tục từ công tác chỉ đạo, lãnh đạo, trang bị cơ sở kỹ thuật đồng bộ cùng với nền tảng pháp lý căn bản tương ứng.
Năm 2024, dự báo kinh tế trên đà phục hồi và sẽ có nhiều phát triển nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của tỉnh. Do đó, các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh sớm ổn định, phục hồi và phát triển của ngành thuế sẽ cùng với chính quyền tỉnh Hà Nam phục hồi nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc bảo đảm tính minh bạch, thống nhất
03:30, 20/05/2024
Hoàn thiện hồ sơ cho đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng
10:16, 19/05/2024
Cân nhắc, điều chỉnh một số quy định liên quan đến tiền thuê đất
03:00, 19/05/2024
Thuế thu nhập cá nhân quá lỗi thời – Đừng để người dân chờ thêm nữa
21:21, 18/05/2024
Sử dụng đòn bẩy tài chính đầu tư căn hộ cho thuê cần lưu ý gì?
10:48, 17/05/2024