Mức thu phí cầu đường bộ, phí đăng kiểm, lãi suất ngân hàng… chưa được miễn, giảm, giãn hạn vay kịp thời khiến nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô đứng trước nguy cơ phá sản.
Trước thực trạng này, Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị được sớm can thiệp nhằm “cứu vãn” tình hình trong bối cảnh hiện nay.
“Tắc” cả đầu vào lẫn lối ra
Từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện nay, khi dịch COVID 19 bùng phát, lan truyền rộng rãi, diễn biến phức tạp ở trong nước và hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh gặp muôn vàn khó khăn.
Và, chưa bao giờ, ngành nghề vận tải nói chung, đường bộ nói riêng phải chịu cảnh “tê liệt” gần như hoàn toàn vì dịch bệnh kéo dài. Logistics gần như phải “dậm chân tại chỗ” vì hệ thống kho bãi, luôn chuyến… bế quan cả đầu vào lẫn lối ra cho hàng hóa để thông thương.
Chưa kể, các cửa khẩu giáp ranh giữa các nước đã được lệnh đóng cửa biên giới lại càng khiến cho ngành nghề vận tải ô tô buộc phải “đắp chiếu” nằm chờ từ khi dịch COVID 19 bùng phát.
“Trước thời điểm chưa có dịch COVID 19 xảy ra, doanh nghiệp chúng tôi đã duy trì, vận hành đường dây vận tải ô tô liên vận Việt – Lào một cách thuận lợi. Vậy nhưng, khi cửa khẩu biên giới tạm đóng theo lệnh của Chính phủ 2 quốc gia thì việc vận tải này đã bị gián đoạn và xáo trộn một cách nghiêm trọng" - Đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Theo đại diện doanh nghiêp này, trong những tháng qua, bắt buộc tuân theo công tác phòng, chống dịch COVID 19, chúng tôi phải bố trí nhân lực lái xe ăn nằm ở ngay tại cửa khẩu để đổi tài thì mới có thể duy trì huyết mạch vận tải được. Nghĩa là, khi lái xe di chuyển phương tiện đến khu vực cửa khẩu phải dừng lại để chuyển tài xế cho người khác tiếp tục cầm lái đưa hàng sang nội địa Lào và ngược lại.
"Thực trạng này khiến chi phí đội lên gấp nhiều lần trong khi cước vận tải phải cạnh tranh khốc liệt. Đó là chưa nói tới nguồn hàng đầu vào lẫn đầu ra cũng khan hiếm cho ảnh hưởng tác động của nhiều loại hình sản xuất kinh doanh phải ngừng trễ” – đại diện một doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa có địa chỉ trụ sở tại Nghệ An cho biết.
Cũng theo doanh nghiệp vận tải này thì trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19 đang diễn ra thì các đơn vị khác cũng buộc phải tuân thủ quy trình như vậy mới có thể “cầm hơi” được. Nếu để phương tiện vận tải nằm chờ cho qua mùa dịch thì nguy cơ nợ nần, lãi suất ngân hàng sẽ chồng chất vì dòng tiền tái sinh không có.
Doanh nghiệp vận tải ô tô chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành các Chỉ thị chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhiều chính sách ưu đãi, “kích cầu” sản xuất kinh doanh trong nước cũng đã được ban hành như: giãn nợ vay ngân hàng, giảm thuế, không truy thu tiền đóng bảo hiểm, tiếp cận gói hỗ trợ từ nhà nước… cũng đã được ban hành. Đây được xem là động thái tích cực của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, chủ trương là vậy nhưng doanh nghiệp ở địa phương trong đó có ngành nghề vận tải ô tô vẫn chưa thể tiếp cận được các chính sách nói trên.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An cho rằng, thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải ô tô ở địa phương đã tuân thủ chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID 19 của Chính phủ. Chính vì vậy, doanh nghiệp vận tải đã chấp nhận chịu lỗ, bị lỗ để góp phần đảm bảo COVID 19 không lây lan nhanh trong cộng đồng.
“Được biết, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm hạn chế thiệt hại mức thấp nhất do đại dịch COVID 19 gây ra. Tuy nhiên, đến nay các doanh nghiệp vận tải đường bộ chưa nhận được hỗ trợ của nhà nước, các cơ quan chức năng về các giải pháp hỗ trợ giải cứu ngành vận tải” – ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Để tháo gỡ cho các đơn vị kinh doanh vận tải vượt qua giai đoạn khó khăn, dần đi vào ổn định sản xuất kinh doanh, khắc phục phần nào thiệt hại do đại dịch COVID 19 gây ra, Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An đã có văn bản kiến nghị, đề xuất các giải pháp.
Cụ thể, Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An đề nghị miễn thu 100% trong 03 tháng (3,4,5/2020) phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện và giảm 50% trong các tháng còn lại của năm 2020;
Đề nghị giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới và giảm phí BOT trên các tuyến đường bộ.
Đặc biệt, Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng (nơi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư kinh doanh) có giải pháp giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải, hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn. Đó là mức hỗ trợ giảm 50% lãi suất cho vay các khoản phải trả lãi của 04 tháng gồm 3,4,5 và tháng 6/2020.
Mặt khác, Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An còn đề nghị cấp có thẩm quyền sớm đưa ra các giải pháp thực hiện hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải về các lĩnh vực giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, giãn nợ BHXH, BHYT…
Có thể bạn quan tâm
17:30, 06/05/2020
05:10, 04/05/2020
11:30, 27/04/2020
11:05, 23/04/2020
06:00, 20/04/2020
11:20, 19/04/2020
11:01, 16/04/2020