Ngành xi măng biến rác thải trong sản xuất xi măng thành điện năng

Diễm Hương 20/03/2019 07:44

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Trong đó, Ngành xi măng phấn đấu giảm tiêu hao xuống 10,89% năng lượng.

Đây là một trong những mục tiêu cụ thể trong đó, chương trình đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025, đạt mức tiết từ năm 2019 - 2025 giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 6,5%.

Hệ thống thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện tại Nhà máy xi-măng HT1.

Hệ thống thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện tại Nhà máy xi-măng HT1.

Đặc biệt riêng ngành xi măng, trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng của ngành công nghiệp xi măng tối thiểu 10,89%. Để thực hiện mục tiêu, các doanh nghiệp xi măng đang tích cực triển khai công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện.

Sẽ chủ động hơn trong sản xuất vì có nguồn nhiên liệu ổn định

Theo các chuyên gia môi trường, biến rác thải trong sản xuất xi măng thành điện năng không còn xa lạ gì với các nước trên thế giới. Ưu điểm khi sử dụng nhiên liệu thay thế là giảm đáng kể lượng khí thải CO2 - khí thải dẫn đến hiệu ứng nhà kính; xử ký chất thải hiệu quả qua việc tái sử dụng chúng thành năng lượng. Đặc biệt, phương pháp này giúp  giảm thiểu chi phí năng lượng và nếu khả thi sẽ chuyển chi phí này thành thu nhập. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong sản xuất vì có nguồn nhiên liệu ổn định và có thể sử dụng lâu dài. 

Nhiều năm trở lại đây, năng lượng từ chất thải đã được công nhận và nhiều quốc gia trên thế giới coi chất thải là tài nguyên, là nguồn năng lượng thay thế. Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Nhật Bản, xử lý chất thải là một ngành công nghiệp phát triển, mang lại nhiều lợi nhuận. 

Theo tính toán của các chuyên gia, để sản xuất được 1 tấn clinker, tiêu thụ hết 58 - 60KWh điện; từ clinker để nghiền ra 1 tấn xi măng tiêu thụ khoảng 40KWh.  Nếu sử dụng công nghệ nghiền đứng hiện đại thì nghiền 1 tấn xi măng tiêu thụ khoảng 33 - 34KWh. Như vậy, nếu sản xuất và chạy 100% công suất, ngành xi măng sẽ tiêu thụ khoảng trên dưới 100 triệu KWh. Trong bối cảnh giá điện, than và nguyên liệu không ngừng tăng thì chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng nhiệt thừa để phát điện đã và đang được các doanh nghiệp ngành xi măng quan tâm, triển khai.

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ tận dụng nhiệt thừa để phát điện phải kể đến VICEM, việc đầu tư lắp đặt hệ thống tận dụng nhiệt khí thải, ngoài lợi ích về mặt kinh tế. Hiện Vicem Hà Tiên đạt được hiệu quả rất lớn về mặt kĩ thuật và môi trường.

Máy phát tận dụng nhiệt khí thải hoàn toàn không sử dụng dầu làm nguồn năng lượng sinh công, do đó không thải khí đốt ra ngoài môi trường. Đây là hệ thống sạch và xanh, ít ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân vận hành. Hệ thống máy phát, như tên gọi của nó là “tận dụng nhiệt khí thải lò quay”, do đó công suất phát được phụ thuộc hoàn toàn vào lượng nhiệt thừa thu được từ lò nung. 

Theo đó là kể đến Holcim Việt Nam đã đầu tư trạm phát điện tận dụng nhiệt thừa để phát điện, đáp ứng 25% nhu cầu điện năng cho toàn bộ nhà máy Hòn Chông (Kiên Giang), giảm phát thải khoảng 25.300 tấn CO2/năm. Holcim Việt Nam tham vọng, đến năm 2020 trạm phát điện của nhà máy có thể nâng tỷ lệ đáp ứng điện năng lên 40% và 2030 là 45%.

Cảnh báo không mua các thiết bị cũ, lạc hậu

Vừa qua, theo công bố của Bộ Công Thương đã có phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và đã được Chính phủ chấp thuận.Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân trên cả nước dự kiến sẽ tăng 8,36%, đưa giá bán lẻ điện bình quân từ 1.720 đồng.kWh lên 1.864 đồng/kWh, từ cuối tháng 3/2019 này.

Trước lo lắng việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, tăng trưởng và các hộ tiêu thụ điện lớn như sản xuất thép, xi măng, tôn... Bộ Công Thương cho biết các phương án điều chỉnh đã được cơ quan này tính toán để đảm bảo tác động là ít nhất. Ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng CPI 0,26 - 0,31%, làm giảm GDP 0,22 - 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15-0,19%.

Theo tính toán để ổn định và mang tính có thể sử dụng lâu dài. Hiện nay VICEM cũng đang quyết liệt triển khai xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện ở các nhà máy sản xuất xi măng. Theo ông Bùi Hồng Minh - TGĐ VICEM chia sẻ tại buổi họp báo đầu năm cho biết, chương trình tiết kiệm năng lượng và tận dụng nhiệt thừa để phát điện VICEM vẫn đang triển khai. Theo tính toán, nếu vốn vay cao, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài. Mặc dù áp lực sản xuất, áp lực tiền vốn đầu tư nhưng VICEM quyết làm.

Để mang lại hiệu quả của dự án, ông Minh chia sẻ, tùy từng dự án mới đánh giá cụ thể tính hiệu quả của dự án. Nhưng trong tình hình giá than, giá điện không ngừng tăng thì các doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tính toán, tận dụng nhiệt thừa để phát điện. Vì thế, VICEM chỉ đạo các đơn vị thành viên, đơn vị nào triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện thì vốn tự có phải đủ 30% trở lên. Với lãi suất thương mại như hiện nay thì giới hạn vay từ 70% trở xuống sẽ an toàn và giúp các nhà máy nhanh hoàn vốn.

Hiện nay, VICEM cũng đánh giá hiệu quả và làm từng dự án, tránh làm theo phong trào sẽ bị môi giới ép giá. Những đơn vị có nguồn nhiệt lớn và có tiềm năng tài chính được lựa chọn triển khai trước. Sau đó nghiên cứu đánh giá dự án trên cơ sở thực tế nhằm đưa ra lộ trình phù hợp đảm bảo tính hiệu quả.

Theo thống kê, cả nước hiện có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn. Nhưng con số chưa dừng lại ở đây, giai đoạn tới, dự kiến sẽ có 3 dây chuyền với công suất 10,1 triệu tấn sẽ đi vào vận hành, gồm Xi măng Sông Lam dây chuyền 3, 4 (giai đoạn 2) của Tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; Xi măng Kaito Hà Tiên của Thai Group công suất 4,5 triệu tấn; Xi măng Tân Thắng (Nghệ An) công suất 1,8 triệu tấn/năm.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, nếu đầu tư, các nhà máy xi măng nên sử dụng công nghệ dung môi, kỹ thuật tiên tiến, tránh mua các thiết bị cũ, lạc hậu. Đây là yếu tố rất quan trọng làm nên hiệu quả và quá trình vận hành sau này của dự án. Công nghệ hiện đại, thiết bị tốt, bền nên được ưu tiên hàng đầu. Hiện nay một số Công ty, một số nhà môi giới đứng ra tư vấn, bán thiết bị, hình thức thực hiện dự án theo mô hình BOT. Nếu thực hiện theo hình thức này sẽ khó quản lý, vì nhiệt thừa là một bộ phận của nhà máy. Cho nên, các nhà máy xi măng nên tự thực hiện để sau sẽ tốt hơn trong quản lý vận hành, đồng thời quản lý được công nghệ, thiết bị.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả thông qua triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong quá trình hỗ trợ nghiên cứu kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển xây dựng hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải. Đồng thời, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển ngành xi măng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành xi măng biến rác thải trong sản xuất xi măng thành điện năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO