Ngành Y và những thay đổi cần được trân trọng

Diendandoanhnghiep.vn Phải công tâm nhìn nhận ngành y năm qua có những thay đổi tích cực, đáng trân trọng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2019 chiều 15/1.

Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2019 chiều 15/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định rằng: “Chúng ta loay hoay chuyện quá tải, chúng ta đang ‘tham bát bỏ mâm’. Đáng lẽ phải tập trung cao độ cho bệnh nặng và kỹ thuật cao để mọi người yên tâm không ra nước ngoài và khoảng nửa triệu người nước ngoài tại Việt Nam yên tâm khám tại tuyến trung ương”.

Nhận định trên của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu xét ngành Y tế như một “cái mâm” thì cá nhân người viết tán đồng với “cái bát thứ hai”, tức là phải luôn chú trọng nâng cao trình độ, kỹ thuật cao để phục vụ nhân dân. Nhưng không hoàn toàn đồng tình với “cái bát thứ nhất” khi bà nói về giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện là chúng ta đang “tham bát bỏ mâm”.

Nói như vậy bởi, tình trạng quá tải Bệnh viện đã là bệnh nặng, mạn tính, gây nhiều trở ngại cho công tác khám, chữa bệnh của cả đội ngũ y bác sĩ và bệnh nhân. Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng nhắc nhở Bộ Y tế cần sớm có chính sách tăng cường điều động, luân chuyển, đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế về công tác tại tuyến cơ sở. Tiếp tục giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương để có kết quả chuyển biến qua từng năm, phấn đấu từ năm 2020 trở đi cố gắng không còn tình trạng quá tải ở bệnh viện.

Muốn tháo gỡ quá tải phải bắt nguồn từ việc tháo gỡ cơ chế viện phí, tính đúng, tính đủ và mức thu nhập của nhân viên y tế phù hợp với mặt bằng xã hội, đúng giá trị của ngành Y. Một khi tính đúng, tính đủ viện phí, cả phần chi phí đầu tư phát triển và mức lương phù hợp, các Bệnh viện sẽ thoải mái bố trí nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất giải quyết quá tải, chăm sóc bệnh nhân chu đáo hơn, các Bệnh viện cạnh tranh chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ để giữ bệnh nhân, bệnh nhân sẽ được lợi hơn. Theo đó, cũng sẽ có nguồn thu chăm lo an sinh xã hội cho người nghèo tốt hơn.

Bên cạnh đó, với đề án Bệnh viện vệ tinh, cần ưu tiên chuyển giao các kỹ thuật mang tính thiết yếu cho người dân địa phương, các kỹ thuật đúng tuyến nhưng Bệnh viện tuyến đó chưa làm được, kỹ thuật cần thiết cho số lượng đông bệnh nhân địa phương, rồi mới đến hoặc song song với các kỹ thuật cao của tuyến trên.

“Cái bát thứ hai” trong cái “mâm Y tế” thì không chỉ Bộ trưởng Y tế có lý mà người Việt Nam cũng thấy tự hào về những tiến bộ không ngừng trong nghiên cứu khoa học, điều trị của ngành Y.

Theo con số thống kê của Bộ Y tế, năm 2018, các bệnh viện trong nước đã tiếp nhận 300.000 người nước ngoài đến khám ngoại trú, 57.000 người trong đó được điều trị nội trú. Phần lớn trong số này là Việt kiều, người Lào, Campuchia, ngoài ra có người Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Úc... khám, chữa các loại bệnh về răng, thẩm mỹ, hỗ trợ sinh sản. Đây được coi là tiền đề để ngành y tế xúc tiến một dự án có tên gọi “dây rút ngược” nhằm thu hút bệnh nhân là người nước ngoài, Việt kiều và người Việt Nam có nhu cầu khám chữa bệnh ở nước ngoài ở lại điều trị trong nước.

Đáng chú ý, trong hơn 10 năm qua đã có 270 bác sĩ của 15 quốc gia từ Bồ Đào Nha, Singapore, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Úc, Ả Rập Xê út... đến Việt Nam học phương pháp “Dr Lương”. Đó là phẫu thuật nội soi u tuyến giáp của bác sĩ Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (từ nội soi 3 lỗ, năm 2018 các bác sĩ Bệnh viện đã thực hiện nội soi 1 lỗ với cách thức đơn giản hơn).

Tiếp theo là “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” đạt Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 được xem là một kỳ tích với y học Việt Nam, mang lại hi vọng cho hàng chục nghìn bệnh nhân đang ngày ngày phải chiến đấu với căn bệnh nan y quái ác này..v..v.

Có thể nói, sức khỏe của con người là nhân tố quan trọng, quyết định sự cường thịnh của một quốc gia, dân tộc. Do đó, người cán bộ y tế chỉ có thể tồn tại khi người bệnh hài lòng. Và phần thưởng, hạnh phúc lớn nhất của ngành Y tế chính là niềm vui, hạnh phúc và sự hài lòng về chất lượng dịch vụ y tế của người bệnh.

Như vậy, tuy trong một “cái mâm”, vẫn có những “cái bát” có “món ăn” không ngon, chưa đạt, nhưng phải công tâm nhìn nhận ngành y năm qua có những thay đổi tích cực. Một ngành với áp lực cực lớn vì liên quan trực tiếp sinh mạng nhân dân, những thay đổi dù nhỏ cũng cần được trân trọng.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ngành Y và những thay đổi cần được trân trọng tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714341248 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714341248 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10