Ngập lụt ở miền Trung do thủy điện xả lũ?

PHƯƠNG THẢO 14/10/2020 09:03

Lũ lụt, sạt lở dù là ở miền Trung hay địa phương nào, người ta thường liên tưởng đến các công trình thủy điện và việc xả lũ của các nhà máy này.

a

Nhiều nơi tại Quảng Nam vẫn trong tình trạng bị ngập sâu do nước lũ rút chậm (Ảnh: Tuấn Vỹ)

Trong công điện gửi các bộ, ngành, tập đoàn Điện lực Việt Nam và tỉnh Miền Trung về việc tập trung ứng phó với mưa lũ lớn mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ nhân tạo.

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 6/10 đến nay tiếp tục gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các tỉnh khu vực miền Trung. Đáng chú ý, diễn biến mưa lũ còn rất phức tạp, nhiều khả năng thiệt hại sẽ còn lớn hơn.

Theo tổng hợp số liệu tính đến 18h00 ngày 13/10/2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, từ ngày 6/10 đến nay đã làm 30 người và 14 mất tích, 22 người bị thương. Số nhà ở bị thiệt hại là 541 nhà; số nhà bị ngập nước 160.784 nhà.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 và mưa lớn do Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra mới đây, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - cho rằng, dù mưa lớn nhưng hiện nay các hồ chứa, hồ thủy điện ở khu vực miền Trung vẫn còn dung tích để cắt lũ. Tuy nhiên, việc điều tiết xả lũ vừa qua gây nên ngập lụt, nhiều nơi bị ảnh hưởng là do xả lũ. Do đó, ông Hùng đề nghị phải xả lũ theo đúng quy trình và có thông báo để an toàn, báo động cho người dân và các lực lượng đang tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo đại diện Bộ Công Thương, các hồ thủy điện xả lũ căn cứ vào lượng mưa lũ về và vận hành theo đúng thời gian mùa lũ để làm sao đảm bảo an toàn.

"Ví dụ hồ thủy điện Bình Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), lưu lượng về chỉ 700m3/s, nhưng xả 1.500m3 để đón lũ; Hồ thủy điện Hương Điền luôn phải giữ dưới mực nước dâng bình thường 58m; Hồ thủy điện A Vương (tỉnh Quảng Nam) cương quyết đảm bảo mực nước nhỏ hơn 380m, hiện đang duy trì 373m; Tại thủy điện Quảng Trị, duy trì ở ngưỡng 477,5m, dưới ngưỡng dâng bình thường là 480m. Chúng tôi vẫn vận hành như vậy để có dư địa cho các đợt mưa lũ sau" - đại diện Bộ Công thương giải thích.

Phải khẳng định sự phát triển mạnh mẽ có thể gọi là thần tốc của các công trình thủy điện vừa và lớn ở miền trung và Tây Nguyên là phù hợp với sự phát huy thế mạnh của miền Trung. Các hồ thủy lợi, thủy điện về nguyên lý bao giờ cũng có tác dụng giảm lũ và điều tiết nước mùa kiệt và gánh trên vai trách nhiệm an toàn quốc gia và dân sinh rất lớn.

Mặc dù, đại diện bộ Công thương phản ứng việc "Nhận định thủy điện xả lũ gây ngập lụt là chưa toàn diện, không đúng", nhưng dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc các hồ chứa các thủy điện đã vận hành đúng quy trình? Và việc quy trình vận hành hồ chứa thủy điện có được kịp thời điều chỉnh hay chưa?

Theo các chuyên gia, hằng năm các cơ quan chức năng phải họp tổng kết để đánh giá toàn diện hoạt động của các nhà máy thủy điện. Đồng thời, cần đặt ra vấn đề quản lý tổng hợp lưu vực sông trở nên cấp bách cả về thể chế, hiệu lực và quyền lực một cách hữu hiệu cả về khoa học và điều hành mang tính bảo đảm an toàn quốc gia.

“Nhà máy thủy điện nào cũng có quy trình xả lũ nhưng quy trình đó phải luôn được cập nhật, luôn thay đổi để thích ứng với điều kiện biến đổi” – một chuyên gia nhìn nhận.

Thời tiết còn diễn biến phức tạp

Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định xu thế thiên tai khí tượng thủy văn từ nay đến hết năm 2020. Cụ thể, khu vực Bắc Bộ, từ nay đến ngày 31-10 sẽ chịu tác động của khoảng 3 đến 4 đợt không khí lạnh. Ngày 15 đến 17-10, Bắc Bộ có mưa diện rộng. Tháng 11 miền bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của 4 đến 6 đợt không khí lạnh. Tháng 12 xuất hiện đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông.

Từ nay đến hết tháng 10, do ảnh hưởng của xoáy thuận nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh các tỉnh Trung Bộ có mưa to đến rất to. Nguy cơ ngập lụt vùng trũng, đô thị ven biển và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi ở mức rất cao. Tháng 11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có khả năng chịu ảnh hưởng của hai xoáy thuận nhiệt đới. Tháng 12, Trung Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1 đến 2 xoáy thuận nhiệt đới. Trong hai tháng 11, 12; trên các sông ở khu vực Trung Bộ khả năng xảy ra 1 đến 2 đợt lũ vừa và lớn, đỉnh lũ trên các sông chính ở mức BĐ2 đến BĐ3. Nửa cuối tháng, Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 200 đến 300 mm. Tháng 11 khả năng xuất hiện hai đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Trên các sông chính ở khu vực Tây Nguyên khả năng xuất hiện 1 đến 2 đợt lũ. Tháng 12 mưa giảm.

Có thể bạn quan tâm

  • Lũ lụt tại Quảng Trị: Nhiều người mất tích, thiệt hại kinh tế lớn

    Lũ lụt tại Quảng Trị: Nhiều người mất tích, thiệt hại kinh tế lớn

    14:56, 08/10/2020

  • Nghệ An “cầu cứu” Trung ương hỗ trợ lũ lụt

    Nghệ An “cầu cứu” Trung ương hỗ trợ lũ lụt

    14:00, 21/08/2018

  • Xóm làng tại Quảng Trị chìm trong nước lũ

    Xóm làng tại Quảng Trị chìm trong nước lũ

    11:00, 13/10/2020

  • Quảng Trị: Lũ lại lên, thiếu trầm trọng thiết bị cứu hộ cứu nạn

    Quảng Trị: Lũ lại lên, thiếu trầm trọng thiết bị cứu hộ cứu nạn

    10:25, 12/10/2020

  • Quảng Trị: Nông dân Gio Linh trắng tay sau đêm lụt lịch sử

    Quảng Trị: Nông dân Gio Linh trắng tay sau đêm lụt lịch sử

    17:12, 11/10/2020

  • Quảng Nam: Lũ rút chậm, nhiều nơi vẫn ngập sâu, nhiều người thiệt mạng

    Quảng Nam: Lũ rút chậm, nhiều nơi vẫn ngập sâu, nhiều người thiệt mạng

    02:35, 13/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngập lụt ở miền Trung do thủy điện xả lũ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO