Với 16 "điểm đen" thường xuyên ngập khi mưa lớn, khi triều cường, Hải Phòng đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc triển khai các giải pháp mang tính gốc rễ.
Ngập lụt - Nỗi lo thường trực của đô thị Hải Phòng
Theo ông Phạm Trung Huy - Phó giám đốc Sở Xây Hải Phòng, hệ thống thoát nước của Hải Phòng chỉ chịu được các trận mưa có lưu lượng dưới 100mm và với khu vực điểm đen là mức thấp hơn. Hằng năm, các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước vẫn được triển khai, tuy nhiên mới bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác bảo trì, vận hành.
Trong khi đó, số liệu theo dõi của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho thấy, trước đây tần suất các trận mưa trên 100mm diễn ra khoảng 2-3 năm/1 lần. Khoảng 3 năm trở lại đây, tần suất xuất hiện các trận mưa lớn trên 100mm diễn ra thường xuyên hơn, trong 1 năm có tối thiểu 2 trận mưa trên 100mm, cá biệt có các trận mưa trên 200mm.
Báo cáo của Sở Xây dựng Hải Phòng chỉ ra rằng, tình trạng ngập lụt vẫn là một thách thức lớn đối với đô thị Hải Phòng. Tại 16 khu vực khu đô thị cũ của thành phố, mỗi khi có mưa lớn, kéo dài kết hợp triều cường cao sẽ gây ra ngập úng sâu từ 50 - 100cm, thời gian tiêu thoát nước kéo dài từ 4 - 8 giờ. Ngay cả các khu đô thị mới như TP Thủy Nguyên, An Dương, hay các thị trấn vùng ven như Cát Bà, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão cũng thường xuyên ngập cục bộ 2-4 giờ khi có mưa lớn.
Nguyên nhân chính được xác định là do sự thiếu hụt hệ thống hồ điều hòa tại các khu đô thị cũ (chỉ đạt 0,62% quỹ đất, trong khi quy chuẩn tối thiểu là 5-7%), cùng với quá trình bê tông hóa làm giảm khả năng thẩm thấu nước. Hệ thống cống ngăn triều và thoát nước dù đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp tốc độ đô thị hóa. Trong khi đó, các khu đô thị mới và ngoại thành lại đối mặt với tình trạng san lấp ao hồ, hệ thống thoát nước đầu tư manh mún, rời rạc, chủ yếu dựa vào độ dốc địa hình và hệ thống kênh mương thủy lợi nông nghiệp, dẫn đến khả năng tiêu thoát nước mặt bị hạn chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hải Phòng ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đối khí hậu, nước biển dâng (tăng 20cm trong 10 năm gần đây), những cơn mưa cường độ cao (60-297mm) kết hợp triều cường hoặc xả lũ từ các hồ thượng nguồn sông Đà, Thác Bà, sông Hồng càng làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt của Hải Phòng.
Ông Phạm Văn Khanh - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hải Phòng cho rằng, công tác tiêu thoát nước và xử lý nước thải của thành phố còn nhiều bất cập, khó khăn. Sự đầu tư nguồn ngân sách chưa xứng tầm, không đáp ứng yêu cầu thực tế.
Để xử lý cơ bản 16 “điểm đen” ngập lụt đô thị hay giải bài toán ngập lụt đô thị, Hải Phòng cần nguồn lực đầu tư rất lớn và phải triển khai tổng thể, đồng bộ - ông Huy cho biết thêm.
Hơn 483.000 tỷ đồng cho hạ tầng thoát nước hiện đại
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, Hải Phòng đã xây dựng định hướng quy hoạch cao độ nền kết hợp với quy hoạch thoát nước mặt. Theo đó, cao độ nền các công trình xây dựng dân dụng sẽ cao hơn quy chuẩn hiện hành từ 15-45cm tùy từng khu vực, và cao hơn 20cm đối với công trình công nghiệp nhằm chống ngập cục bộ.
Hải Phòng cũng quy hoạch 7 tiểu vùng lưu vực thoát nước mặt, bổ sung các hồ điều hòa, hồ chứa nước, nạo vét kênh tiêu thoát nước, xây dựng cống ngăn triều, trạm bơm tiêu thoát nước mưa. Đồng thời, các tuyến trục thoát nước, cống ngầm qua khu vực đô thị lịch sử và cũ sẽ được cứng hóa, cải tạo và mở rộng để kịp thời điều tiết nước mưa ra sông và biển.
Giai đoạn từ nay đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng dự kiến sẽ huy động tổng nguồn vốn đầu tư là hơn 483.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án công trình chống ngập quy mô lớn, bao gồm: nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hơn 1.012 km kênh mương trục chính. Xây dựng 1.232 km cống thoát nước mưa. Xây dựng cải tạo hơn 1.093 ha hồ điều hoà. Kè hơn 17.315m hồ, kênh mương. Giai đoạn này cũng sẽ đầu tư xây dựng các trạm bơm tiêu nước có tổng công suất tiêu thoát nước đạt mức 1.173m3/s, đắp hơn 1 tỷ m3 đất nền.
Để sớm giải quyết tình trạng ngập cấp bách, Sở Xây dựng Hải Phòng đề xuất ưu tiên triển khai 9 dự án, trong đó có 3 dự án vay vốn ODA và 6 dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố.
Đặc biệt, giai đoạn đến năm 2030, Hải Phòng sẽ tập trung vào 5 dự án chống ngập lụt trọng điểm: Dự án phát triển hệ thống thoát nước xanh và cải thiện môi trường bền vững vùng lưu vực sông Đa Độ: Tổng vốn dự kiến 10.000 tỷ đồng từ nguồn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đầu tư xây dựng hệ thống công trình đầu mối hạ lưu kênh An Kim Hải, vốn hơn 1.828 tỷ đồng, bao gồm cải tạo 8km kênh, xây dựng đập điều tiết ngăn triều mặn và trạm bơm công suất 80m3/s. Giải quyết ngập lụt tại các "điểm đen" khu vực đường Hùng Vương (Hồng Bàng) và nâng cấp hệ thống thoát nước tại Lê Chân, Hải An, Kiến An, tổng vốn 1.500 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng công trình thoát nước đầu mối lưu vực Bắc Nam Hùng, tổng vốn hơn 871 tỷ đồng, cải tạo 6,5 km kênh, xây dựng cống ngăn triều cường nối ra sông Cấm và trạm bơm công suất 10m3/s. Đầu tư xây dựng cải tạo môi trường kênh Kim Xá, vốn hơn 143 tỷ đồng, cải tạo 2,8 km kênh và xây dựng đập điều tiết trước cống Đồng Thiều.
Với những giải pháp đồng bộ và nguồn lực đầu tư khổng lồ này, Hải Phòng kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng ngập lụt kéo dài nhiều năm qua, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới một đô thị xanh, bền vững.
16 “điểm đen” ngập lụt của đô thị Hải Phòng, bao gồm: quận Hồng Bàng có 2 điểm: khu vực đô thị cũ và khu vực từ Bến xe Thượng Lý đến chân cầu Bính. Quận Lê Chân có 3 điểm: khu vực đường Tô Hiệu, đường Chùa Hàng và khu vực ngã ba đường Hàng Kênh - đường Đình Đông. Quận Ngô Quyền có 4 điểm: khu vực đường Lê Lai, đoạn ngã 5 phụ và khu vực đường Lê Lợi, đường Cầu Đất, đường Lương Khánh Thiện. Quận Hải An có 2 điểm: khu vực đường Phủ Thượng Đoạn đoạn đường Bùi Thị Tự Nhiên và khu vực đường Trung Lực, đường Nguyễn Đồn. Quận Kiến An có 2 điểm: khu vực đường Trần Tất Văn và các tuyến nhánh, ngã 6 Quán Trữ. Quận Dương Kinh có điểm duy nhất là khu đô thị Anh Dũng 3. Quận Đồ Sơn có 2 điểm đen ngập lụt gồm: đường ngã ba khu 1 tại Quảng trường Biển và tổ dân phố Trung Dũng, phường Ngọc Xuyên.