Pháp luật

Ngày 29/10, Quốc hội tập trung thảo luận về Dự án một luật sửa 7 luật về tài chính

Gia Nguyễn 29/10/2024 03:30

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 29/10, cùng với Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quốc hội sẽ tập trung thảo luận Dự án một luật sửa 7 luật về tài chính…

noi-dung-ky-hop-8-29.10.1.jpg
Ngày 29/10, cùng với Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Quốc hội sẽ tập trung thảo luận Dự án một luật sửa 7 luật về tài chính - Ảnh: Media Quốc hội

Theo đó tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên sáng 29/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này.

Sau nội dung đã nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án một luật sửa 7 luật về tài chính).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật này.

Cùng với hai nội dung đã nêu, tại phiên họp sáng ngày 29/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tiếp đến các đại biểu Quốc hội sẽ tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại phiên buổi chiều, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án một luật sửa 7 luật về tài chính.

Được biết, Dự án một luật sửa 7 luật về tài chính được xây dựng nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hoá thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xoá bỏ cơ chế xin – cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngày 29/10, Quốc hội tập trung thảo luận về Dự án một luật sửa 7 luật về tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO