Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 27 điểm và đóng cửa ở mức 1.525 điểm, thị trường nghiêng hẳn về sắc xanh với 332 mã tăng.
>>>Sang năm 2022, chứng khoán liệu còn tăng nóng như 2021?
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/1, VN-Index đã tăng 27,30 điểm lên 1.525,58 điểm, toàn sàn có 332 mã tăng, 137 mã giảm và 47 mã đứng giá. Chỉ số HNX giảm nhẹ 0,20 điểm xuống 473,79 điểm với 136 mã tăng, 83 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,79 điểm lên 113,47 điểm với 199 mã tăng, 147 mã giảm và 64 mã đứng giá.
Với nhóm VN30 hôm nay cũng tăng tích cực với 23,16 điểm lên 1.558,87 điểm với 25 mã tăng và 5 mã giảm điểm.
Góp tích cực nhất cho đà tăng của thị trường hôm nay phải kể đến VIC (+6,07 điểm), VHM (+3,56 điểm), GAS, CTG,… còn ở chiều ngược lại NVL, VJC, MSN lại góp phần vào chiều giảm của chỉ số.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt 31.604 tỷ đồng, tăng 9,3% so với phiên cuối tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng HoSE tăng 7,8% lên 26.468 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 400 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Trong buổi lễ đánh cồng phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ông Hồ Đức Phớc yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), HOSE phối hợp với FPT nhanh chóng mở rộng hệ thống, luôn luôn đón đầu để không còn nghẽn lệnh đảm bảo điều kiện thuận lợi nhất cho thị trường chứng khoán.
Năm 2022 được đánh giá là sẽ còn nhiều thách thức với thị trường chứng khoán với đại dịch, nguy cơ lạm phát và sự biến đổi thất thường của kinh tế. Theo đó, Bộ trưởng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022 như sau:
Đầu tiên, tiếp tục hoàn thiện thể chế từ luật đến các nghị định, chiến lược phát triển ngành chứng khoán và các thông tư, quy định pháp luật có liên quan để đảm bảo bít các lỗ hổng còn tồn tại để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, đúng đắn.
Thứ hai là xây dựng bộ máy. Sau khi VNX được thành lập, phải bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả.
Tiếp theo là xây dựng hệ thống trái phiếu doanh nghiệp chuyên nghiệp.
Cuối cùng là tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm các trường hợp trục lợi bất chính trên thị trường chứng khoán.
Theo phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) về diễn biến thị trường trong tháng 1/2022, mức định giá vẫn còn hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực. Tỷ lệ P/E TTM của chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức 17.5x, trong khi đó mức P/E TTM của hầu hết các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á đều trên mức 20 lần (ngoại trừ TTCK Thái Lan đang có mức P/E TTM là 15.3x nhờ vào việc mở cửa lại nền kinh tế sớm).
Thị trường có thể sẽ tiếp tục đi lên trong tháng 01/2022 nhờ vào KQKD tích cực trong quý 4/2021. Dự báo nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép, hóa chất và sản xuất thực phẩm là những nhóm dẫn dắt đà tăng của thị trường. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng và rủi ro trung hạn đang ở mức thấp.
“Chúng tôi dự báo chỉ số VN-Index đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trong tháng 01/2022 và mức mục tiêu kỳ vọng là 1.534 điểm”, chuyên gia của YSVN dự báo.
Còn theo CTCK KB Việt Nam (KBSV), mức tăng vượt trội của thị trường như trong giai đoạn 2020-2021 nhiều khả năng sẽ không lặp lại, khi mà rủi ro đã tiềm ẩn xuất hiện ở một số yếu tố nền tảng như rủi ro lạm phát và mặt bằng lãi suất trong nước tăng, nợ xấu ngân hàng, các NHTW trên thế giới thắt chặt chính sách tiền tệ, tốc độ tăng trưởng chậm và rủi ro vỡ nợ của Trung Quốc…
Theo đó, KBSV kỳ vọng thị trường sẽ trải qua nhiều nhịp biến động mạnh tăng/giảm đan xen, đặc biệt trong giai đoạn nửa đầu năm khi các yếu tố thuận lợi/rủi ro dần định hình, với xu hướng tổng thể là tăng thoải và hướng tới mốc điểm cân bằng của chỉ số VN-Index thời điểm cuối 2022 là 1.760 điểm, tương ứng mức P/E 17.5 lần và EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết tăng 15.7% so với cùng kỳ.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 04/01/2022
05:00, 04/01/2022
13:00, 03/01/2022
05:15, 03/01/2022