Tết bao giờ cũng vui, bởi gắn liền với sum vầy. Nhưng cũng chẳng biết từ bao giờ, rượu bia cũng là thứ “gắn liền” với Tết, trở thành một nỗi ám ảnh...
>>Cờ bạc vui xuân coi chừng “mất Tết”
Tết là thời gian để gặp gỡ, nếu không có chén rượu xuân, kể cũng nhạt. Nhưng có vẻ như thói quen bia rượu đã “dìm” rất nhiều người Việt vào những cuộc nhậu triền miên và không còn thời gian để hưởng niềm vui mùa xuân... Người không biết nhậu thì không nói; người biết nhậu, nhiều lúc cũng khổ sở với rượu bia.
Ngày thường nhậu là chuyện đã đành, nhưng mấy ngày xuân thì có đến 1.001 lý do để nhậu, từ việc “có lý do gia đình” như cúng đưa ông táo, tất niên, cúng tiễn... đến việc “quan hệ” như gặp mặt hàng xóm, gặp mặt đồng hương, họ hàng…
Những hệ lụy bia rượu ngày thường đã kinh khủng, ngày tết lại đáng lo hơn. Nhẹ thì làm người mệt mỏi, mất thời gian; nặng thì say xỉn đánh lộn, tai nạn giao thông và nhiều hệ lụy khác...
Rất nhiều người lợi dụng lý do chơi xuân để uống bia rượu. Có người cứ thích ép người khác uống, làm người chung mâm say mới... vui. Cũng có người vì bia rượu mà quên mất rằng từ ngàn đời nay tết là dịp gia đình sum họp, nhà nhà dành lời chúc an lành cho nhau. Hoặc nếu họ có nhớ thì cũng trong tình trạng...say.
>>Gian nan cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái trên “chợ mạng” dịp Tết
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia thì hành vi "ép buộc người khác uống rượu, bia" là hành vi bị cấm. Do đó, hành động ép người khác uống rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Bên cạnh đó, luật sư Biên cũng cho biết, từ năm 2020, Chính phủ đã có Nghị định 117 quy định xử phạt về hành vi này. Trong đó nêu rõ xử phạt 1 – 3 triệu đồng với hành vi ép người khác uống rượu bia. Tuy nhiên, thực tế việc tố giác bạn nhậu hoặc người gián tiếp đẩy mình vào tình huống phải uống rượu là khó xảy ra, vì ái ngại và bởi không có bằng chứng tố cáo. Nhiều chuyên gia nhận định Nghị định này đưa ra không nhằm mục đích phạt mà để thay đổi nhận thức, để người ép rượu biết đây là hành vi sai.
Theo TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, quy định không phải là làm khó cho mình mà là vì mình, vì cuộc sống tốt đẹp của cả xã hội và chính mỗi cá nhân.
"Những quy định tốt đẹp như vậy mà ai đó còn không thực hiện thì rõ ràng không thể chấp nhận được. Trong một xã hội văn minh, mỗi người phải nghĩ tới xã hội và toàn xã hội chăm lo cho mình, đó là một xã hội tốt đẹp", TS Chức trao đổi.
Ngày Tết, đến mỗi nhà chúc nhau vài chén cũng có đủ hơi men trong người, liệu trong số đó ai sẽ gọi taxi hay nhờ người khác chở? Một chút tặc lưỡi chắc chẳng sao đâu, uống ít mà có thể gây ra hậu quả khôn lường. Vấn nạn ma men sau tay lái ngày càng nóng vào mỗi dịp “Tết đến xuân về”. Nhiều trường hợp say xỉn khi lái xe đã phải chịu mức xử phạt tương ứng, thậm chí có người đã phải trả giá bằng chính cuộc đời của người vi phạm, bằng mạng sống của các nạn nhân. Nỗi ám ảnh, hối hận đeo đuổi họ suốt cuộc đời.
Theo một số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam xếp thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia trên người. Cụ thể, khoảng 170 lít bia/người/năm. Lực lượng chức năng đã ra quân tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nhưng nếu người dân không ý thức được sự nguy hiểm của rượu bia thì sẽ rất khó.
Suy cho cùng, năm hết, Tết đến, để mỗi cuộc vui được trọn vẹn thì ép dầu, ép mỡ, đừng nỡ ép rượu bia. Đặc biệt, khi ra đường, mỗi người càng phải ghi nhớ khẩu hiệu đơn giản – đã uống rượu bia thì không lái xe.
Có thể bạn quan tâm