Bất chấp quy định của pháp luật, Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An ngang nhiên lấn chiếm hàng chục ha đất để trồng cây cao su, gây bức xúc trong dư luận, nhân dân và chính quyền địa phương…
>>Quảng Nam đề nghị EVN lập phương án chuyển đổi đất rừng để làm dự án
“Mặc dù mới được quy hoạch, chưa có quyết định giao đất, thuê đất của cấp có thẩm quyền, thế nhưng, Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An đã trồng cao su tại 2 xã Tiền Phong và Hạnh Dịch (huyện Quế Phong). Quá trình triển khai, doanh nghiệp ngày còn không thông báo cho chính quyền địa phương và người dân, không tổ chức kiểm tra, bàn giao ngoài thực địa, không tiến hành kiểm kê hiện trạng giải phóng mặt bằng trước khi thiết kế hồ sơ. Đáng chú ý, còn tự ý lấn hàng chục ha đất do người dân và chính quyền xã quản lý để trồng cây cao su…”, đó là những gì mà ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch huyện Quế Phong chỉ ra liên quan đến dự án trồng cây cao su của Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An.
Cao su… mọc trên đất rừng cộng đồng?
Ngày 13/9/2013, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4081/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch diện tích trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong với hơn 3.000 ha tại các xã Hạnh Dịch, Tiền Phong và Mường Nọc. Thời điểm ấy, bà con nơi đây rất mong mỏi cây cao su sẽ là cây trồng chủ lực, giúp người dân thoát nghèo, cải thiện đời sống kinh tế. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vì chủ đầu tư đã ngang nhiên lấn đất rừng cộng đồng dân bản.
Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An đã ngang nhiên lấn chiếm đất rừng cộng đồng, tiến hành san ủi và trồng cây cao su trên địa bàn các xã Hạnh Dịch và Tiền Phong.
Cụ thể, theo phản ánh của người dân xã Hạnh Dịch, trong quá trình triển khai dự án, Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An đã san ủi đất và trồng cao su vào khoảng hơn 7 ha đất tại tiểu khu 85 và 3,28 ha đất tại tiểu khu 82. Đây là những phần đất do cộng đồng dân bản quản lý đã được nhà nước giao đất, giao đất tạm thời theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP về giao đất cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp quản lý từ năm 2003 đến khi có dự án trồng cây cao su.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật
Ngay sau khi sự việc xảy ra, bà con dân bản đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu doanh nghiệp này phải đền bù thiệt hại, giải quyết dứt điểm. Vậy nhưng, từ đó đến nay đã gần 10 năm, sự việc trên vẫn chưa được xử lý dù cây cao su đã cho thu hoạch.
Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Ngọc, Trưởng bản Chiếng, xã Hạnh Dịch ngao ngán nói: “Không biết đến tôi là trưởng bản thứ 3 hay thứ 4 chi của bản Chiếng rồi mà những kiến nghị đều chưa được các bên liên quan giải quyết. Bức xúc nhất là trước đây kiến nghị phía Công ty cao su còn lên phối hợp làm việc. Còn mấy năm nay dường như họ đã phớt lờ những kiến nghị của địa phương chúng tôi rồi”.
Còn chị Lương Thị Hồng, Trưởng bản Quang Vinh thì cho biết: “Bản chúng tôi được sáp nhập trên cơ sở của hai bản trước đây là bản Pỏm Om và bản Pà Cọ. Đất rừng mà bản chúng tôi được giao chăm sóc, bảo vệ đã bị Công ty cao su đưa máy móc vào san ủi từ gần 10 năm trước. Đến nay, cây cao su của họ trồng đã lớn và đã cho thu hoạch mà mọi kiến nghị, đơn từ của người dân bản chúng tôi vẫn chưa được giải quyết”.
Khi phóng viên đề cập đến việc dân bản có động thái gì để ngăn cản, chị Hà Thị Tuyến, hiện là Trưởng ban công tác Mặt trận của bản nói: “Trước đây tôi là Trưởng bản Pỏm Om; thời điểm đó, bản này có diện tích rừng giao theo Nghị định 163 của Chính phủ trên 100 ha. Khi thấy máy móc của công ty thi công trên diện tích rừng Pù Mai, trên 70 hộ dân ở bản đã kéo lên rừng để đẩy đuổi ra ngoài nhưng lên đến nơi chỉ thấy xe máy mà không thấy người. Với cách thức ban ngày không làm thì ban đêm thi công trộm, cứ thế, nhiều ha đất rừng của bản này đã bị dọn sạch sẽ để trồng cao su”.
“Mặc dù bản đã huy động các hộ dân mang cây xoan và thầu dầu lên trồng xen và cắm mốc vào diện tích được máy móc dọn để trồng cao su để lấy lại đất nhưng toàn bộ những cây mới trồng sau đó đã bị phun thuốc diệt cỏ chết hết”, chị Tuyến bức xúc nói.
Chính quyền địa phương nói gì?
Đồng tình với ý kiến của cộng đồng dân bản, ông Lô Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch cho biết, những vấn đề bất cập liên quan đến dự án trồng cây cao su của Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An xảy ra trên địa bàn xã đã kéo dài từ chục năm nay nhưng mãi không được giải quyết dứt điểm.
“Vấn đề liên quan đến dự án trồng cây cao su người dân các bản Chiếng và bản Quang Vinh đã kiến nghị, đơn từ kéo dài từ những năm 2014, 2015 đến nay. UBND huyện Quế Phong lẫn UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có những kết luận nội dung làm việc và chỉ đạo xử lý những vướng mắc liên quan từ nhiều năm trước nhưng không có kết quả. Chúng tôi thấy phía chủ đầu tư dự án là Công ty cao su càng về sau này càng tỏ thái độ thiếu hợp tác với chính quyền địa phương”, ông Việt nói.
>>Nghệ An: Hàng chục ha đất rừng đã được cấp sổ đỏ “bỗng dưng” biến mất
Đưa những vướng mắc này lên huyện Quế Phong, ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, mặc dù mới được quy hoạch, chưa có quyết định giao đất, thuê đất của cấp có thẩm quyền, Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An đã trồng cao su tại xã Tiền Phong và xã Hạnh Dịch. Quá trình triển khai, Công ty không thông báo cho chính quyền địa phương và người dân, không tổ chức kiểm tra, bàn giao ngoài thực địa, không tiến hành kiểm kê hiện trạng giải phóng mặt bằng trước khi thiết kế hồ sơ.
Ngoài ra, đơn vị này còn trồng lấn sang khoảng 7 ha đất do người dân bản Quang Vinh quản lý và 22,6 ha thuộc tiểu khu 77 do UBND xã Hạnh Dịch quản lý. Đây là phần đất không có trong quy hoạch trồng cao su theo Quyết định 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh Nghệ An. Đơn vị này còn trồng lên đất được giao cho người dân bản Chiếng, xã Hạnh Dịch quản lý theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP về giao đất cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, khoảng 3,2 ha.
Cũng theo ông Hiền, UBND huyện đã nhiều lần làm việc với Công ty và ban hành nhiều văn bản, kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành có liên quan. Tuy nhiên, đến nay phía Công ty không phối hợp giải quyết.
Thiết nghĩ, vụ việc hàng chục ha đất rừng bị xâm hại, lấn chiếm đã trải qua gần chục năm trời nhưng chưa được xử lý, giải quyết dứt, chính là minh chứng cho sự “thờ ơ” với sai phạm của Công ty CP Đầu tư Phát triển cao su Nghệ An!
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An làm gì để “bứt phá” trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Bắc Trung bộ?
04:17, 02/08/2023
Nghệ An: Người dân “kêu cứu” tại dự án chống sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành
11:00, 29/07/2023
Cơ quan chức năng vào cuộc vụ các cơ sở mầm non Việt-Sing tại Nghệ An bị “tố” mất vệ sinh
02:30, 29/07/2023
Rộ thông tin một trường mầm non ở Nghệ An bị “tố” mất vệ sinh
10:30, 28/07/2023
Nghệ An: Người cựu chiến binh làm giàu trên vùng đất “khó”
09:59, 28/07/2023