Nghệ An gây ấn tượng khi tiếp tục nằm trong top 10 cả nước về thu hút FDI những tháng đầu năm 2023. Đây là tín hiệu khả quan, minh chứng cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của địa phương này.
>>>Khơi thông hệ thống cảng biển Nghệ An
Thu hút FDI hàng đầu Việt Nam
Trong thời gian vừa qua, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực chất, hiệu quả; tăng cường hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với cách làm riêng, định kỳ hàng tháng Nghệ An thực hiện rà soát, báo cáo kết quả giải quyết TTHC cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về số hoá và tái sử dụng kết quả số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa các cấp theo quy định.
Trong tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản số 4874 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới. Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và đảm bảo khả thi, phù hợp với năng lực thực hiện của cơ quan được phân cấp; chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ; thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư...
Theo lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, song song với các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An đã hoạch định các chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lực hấp dẫn cho các dự án tăng trưởng bền vững. Đồng thời, tỉnh có chủ trương 5 sẵn sàng: Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng đổi mới cải cách cải thiện môi trường kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ.
Nhờ đó, Nghệ An đang là tỉnh giữ vị trí dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung về thu hút vốn FDI và đứng thứ 8/63 tỉnh, thành trên cả nước. Nghệ An tiếp tục là điểm sáng về thu hút FDI hàng đầu Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 20/7/2023), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp GCNĐKĐT) cho 69 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 21.839,4 tỷ đồng. Điều chỉnh 92 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 27 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng 2.712,4 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 24.551,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng dự án cấp mới tăng 4,55%, tổng vốn đăng ký cấp mới tăng 1,33 lần.
Đặc biệt, 7 tháng đầu năm tỉnh thu hút thêm Cấp mới cho 08 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 613,8 triệu USD (chiếm 11,6% về số lượng dự án và 65,5% về tổng vốn đầu tư). Lũy kế đến tháng 7/2023, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 124 dự án FDI đã được cấp Giấy phép đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 3.293,49 triệu USD (76 dự án/2.959,90 triệu USD đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp; 48 dự án/334,45 triệu USD đầu tư ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp).
>>>Nghệ An “STOP” các dự án có công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên
>>>Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nghệ An phải bước thật mạnh, tiến thật xa”
Đến nay, Nghệ An đã thu hút được nhiều “đại bàng” đầu tư một số dự án lớn như: Nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I của Runergy PV Technology (Thailand) Co.,Ltd: 293 triệu USD; Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1): 164,6 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology (Nghệ An) tại Khu công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An của Foxconn Interconnect Technology Singapore PTE.LTD: 100 triệu USD; Tổ hợp nhà máy sản xuất kết cấu thép và dây cáp điện Việt Á: 1.128,35 tỷ đồng;...).
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Theo kết quả PCI 2022 do VCCI công bố trong tháng 4/2023, tỉnh Nghệ An đạt 66,60 điểm, xếp thứ 23/63 tỉnh/thành phố, đứng thứ 7 khu vực Duyên hải miền Trung và thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ. So với năm 2021, Chỉ số PCI tăng 1,86 điểm, tăng 07 bậc. Kết quả đánh giá cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực của các cấp chính quyền trong cải thiện môi trường đầu tư.
Năm 2022, một số Chỉ số của Nghệ An có cải thiện tích cực về thứ tự xếp hạng như: Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 7 bậc; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 16 (tăng 1 bậc); Chỉ số quản trị hành chính công xếp thứ 17. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp (SIPAS) xếp thứ 14 (tăng 21 bậc).
Để đạt mục tiêu bứt phá mạnh mẽ về PCI, tiến tới nằm trong top các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất Việt Nam, góp phần tạo ra “luồng gió mới” trong thu hút đầu tư, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quyết liệt triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, đối với các chỉ số giảm điểm, thứ bậc gồm: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Đào tạo lao động và Gia nhập thị trường, Chủ tịch tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xác định đây là điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ.
Tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An: “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút đầu tư các dự án lớn, có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển các dịch vụ hiện đại”.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án đã được cấp thủ tục đầu tư để đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn, phát huy hiệu quả dự án.
Trong 5 tháng cuối năm, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chính phủ đẩy mạnh thực hiện một số chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng. Tỉnh Nghệ An tăng cường công tác thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa để rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các cấp, các ngành và địa phương chủ động tiếp xúc, nắm bắt và có giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm hỗ trợ tháo khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là phối hợp các nhà đầu tư KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai làm việc với các nhà đầu tư để khảo sát, kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp. Tăng cường hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ về thủ tục, triển khai thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn trong khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp như: phê duyệt chủ trương đầu tư dự án KCN Hoàng Mai II; sớm khởi công dự án KCN Thọ Lộc; phối hợp nhà đầu tư lập hồ sơ điều chỉnh mở rộng dự án cảng nước sâu Cửa Lò; hỗ trợ thủ tục đầu tư Dự án Khu B - KCN Thọ Lộc, KCN Nghĩa Đàn, KCN WHA giai đoạn 3,...
Có thể bạn quan tâm