Thiếu quỹ đất, khó tiếp cận vốn, quá trình thẩm định mua nhà kéo dài… là những trăn trở của nhà đầu tư khi phát triển nhà ở xã hội tại Nghệ An.
Trước đó, địa phương này đã lên kế hoạch, đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành 28.500 căn nhà ở xã hội, trong đó có 19.500 căn dành cho công nhân.
Những “nút thắt” cần tháo gỡ
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Nghệ An, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 41 dự án có quy hoạch nhà ở xã hội đang thực hiện, với tổng diện tích đất 107 ha. Dự kiến khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 36.000 căn hộ; trong đó có 34 dự án đã lựa chọn chủ đầu tư với khoảng 28.000 căn hộ và 7 dự án chưa lựa chọn chủ đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ.
Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện có 7 dự án, công trình nhà ở xã hội đã khởi công xây dựng và đang triển khai thi công, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 1.553 căn hộ, trong đó gồm 172 căn hộ cho người thu nhập thấp và 1.381 căn nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp. Còn 31 dự án đang trong quá trình thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng, trong đó có 7 dự án chưa hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đưa ra ý kiến, bày tỏ những lo ngại sâu sắc về tiến độ triển khai các dự án, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn và đặc biệt là các thủ tục pháp lý liên quan. Đồng thời, kiến nghị rằng, Nhà nước cần rà soát các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất 20% nhà ở xã hội nhưng chưa triển khai, để thu hồi và giao lại cho đơn vị khác đủ năng lực…
Đơn cử như Công ty CP Địa ốc Kim Thi, một trong những nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Hiện nay, doanh nghiệp đang triển khai dự án xây dựng 190 căn hộ nhà ở xã hội, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn còn gặp vướng mắc khi tiền giải phóng mặt bằng do công ty bỏ ra vẫn chưa thu hồi được.
Đại diện công ty này thông tin, chủ trương kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội là cấp thiết nhưng hiện đang thiếu quỹ đất để đầu tư thực hiện. Nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội. Các dự án nhà thương mại không ưu tiên xây dựng nhà ở xã hội hoặc chưa bố trí 20% quỹ đất như quy định.
Bên cạnh đó, những quy định mới theo Luật Nhà ở 2023, có hiệu lực từ 1/8/2024 cũng khiến nhà đầu tư có sự cân nhắc lại, như về yêu cầu điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai rất chặt chẽ từ việc hoàn thiện phần móng, hệ thống hạ tầng, đến giải chấp (dự án của nhà đầu tư thế chấp ngân hàng) và thông báo của cơ quan quản lý trước khi giao dịch.
Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý khác khiến nhà đầu tư gặp khó khăn là quá trình thẩm định danh sách đối tượng đủ điều kiện mua nhà kéo dài. Có chủ đầu tư cho biết, họ đã nộp hồ sơ danh sách khách hàng lên cơ quan chức năng khá lâu nhưng vẫn chưa được trả lời, ảnh hưởng đến tài chính công ty khi không huy động được vốn từ khách hàng. Trong khi đó, quá trình tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn gặp những trở ngại nhất định.
Tập trung “gỡ khó”, đẩy nhanh tiến độ
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An mới đây đã tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về các giải pháp triển khai đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng được đưa ra để thảo luận và cho ý kiến nhằm tháo gỡ kịp thời, tất cả vì mục tiêu chung là hoàn thành 28.500 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, lao động địa phương.
Ông Hoàng Phú Hiền - Phó Chủ tịch UBND Nghệ An nhấn mạnh: Công tác phát triển nhà ở xã hội được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống người lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội có nhiều chuyển biến tích cực nhưng so với yêu cầu còn chưa đạt, vẫn còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung và quyết liệt giải quyết trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Xây dựng tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phát triển nhà ở xã hội; tham mưu kế hoạch phát triển nhà ở cụ thể trên địa bàn tỉnh trong năm 2025, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư. Rà soát lại các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, báo cáo UBND tỉnh.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, theo chức năng nhiệm vụ để đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện đúng tiến độ, quy định của pháp luật, giải quyết các khó khăn vướng mắc, tham mưu UBND tỉnh xem xét thu hồi, thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư khác vào triển khai thực hiện đối với các dự án chậm tiến độ theo quy định.
Mặt khác, tiến hành tổng hợp, rà soát các khu đất dự kiến quy hoạch nhà ở xã hội theo đề xuất của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các địa phương có liên quan để tham mưu UBND tỉnh công bố Danh mục dự án làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư theo quy định.
Riêng các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư, ông Hoàng Phú Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sau khi khởi công dự án nhà ở xã hội cần nhanh chóng cung cấp, công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.
Các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khẩn trương tổ chức khởi công, thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình. Các chủ đầu tư dự án khu công nghiệp khẩn trương triển khai xây dựng nhà lưu trú đảm bảo chỗ ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư nghiên cứu các nhà mẫu, các thiết kế để người dân sử dụng tốt, thoải mái.
Đặc biệt, liên quan đến việc vay vốn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam - Chi nhánh khu vực 8 chỉ đạo các ngân hàng có liên quan tiếp tục tích cực triển khai tốt cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà ở cho công nhân theo quy định; xây mới, cải tạo, sửa chữa theo chính sách tín dụng ưu đãi đối với nhà ở xã hội hiện hành…