Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Trước dấu hiệu xả lũ chưa đúng quy trình khiến vùng hạ du ngập nặng trong những tháng gần đây, tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ các vấn đề liên quan.
Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, từ ngày 11/10 đến hết 20/10, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ do ông Nguyễn Sỹ Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi Cục trưởng Chi Cục thủy lợi sẽ làm trưởng đoàn cùng với các Phó Giám đốc và thành viên từ các Sở Công thương, Tài Chính, Tài nguyên – Môi trường, Kế hoạch – Đầu tư, Công an tỉnh, Chủ tịch các huyện…
Đoàn kiểm tra lần này sẽ tiến hành thực hiện thị sát tại các nhà máy thủy điện đã thực hiện xả lũ trực tiếp trên địa bàn gồm: Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Bản Ang (huyện Tương Dương), Hủa Na (Quế Phong), Chi Khê (Con Cuông), Châu Thắng (Quỳ Châu).
Đáng quan tâm là những thủy điện này đã có những đợt xả lũ được xem là “bất thường” trong những tháng vừa qua khiến người dân các huyện miền núi phía Tây của Nghệ An bị ngập sâu, ngập nặng trong thời gian dài. Kéo theo đó, việc điều tiết lũ trên các sông trên địa bàn Nghệ An bị đảo lộn, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu.
Có thể bạn quan tâm
09:06, 09/10/2018
15:36, 09/10/2018
11:05, 03/10/2018
09:12, 11/10/2018
Cũng trong thời gian nói trên, đoàn kiểm tra sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc xả lũ từ các thủy điện để tìm gia nguyên nhân, giải pháp khắc phục tránh tình trạng ngập lụt cục bộ tái diễn trong những năm tiếp theo.
Theo số liệu Sở Công thương tỉnh Nghệ An cung cấp, trên địa bàn Nghệ An hiện có 32 dự án thủy điện lớn, nhỏ với tổng công suất 1.359,9MW được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An cũng đã có 13 dự án thủy điện đã vận hành hòa lưới điện quốc gia, 09 dự án đang được triển khai thi công và 05 dự án vẫn còn phải nằm trên “bàn giấy” để cân đo, đong đếm lại.
Các dự án đang được triển khai xây dựng nhà máy thủy điện của Nghệ An cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1 nghìn ha đất khác. Chỉ tính riêng 03 dự án nhà máy thủy điện lớn như Bản Vẽ (320MW), Khe Bố (100MW) trên thượng nguồn sông Lam ở huyện Tương Dương, Hủa Na (180MW) trên sông Chu ở huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã có gần 5.000 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới.
Ông Nguyễn Quang Hòa - nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thủy lợi cho biết: Việc xây dựng các nhà máy thủy điện hiện nay ngay trên hệ thống sông Cả đã khiến cho hạn hán, lũ lụt liên tục xảy ra. Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An cũng chưa công bố được quy trình vận hành liên hồ chứa đối với hệ thống các thủy điện trên địa bàn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kịch bản đánh giá về sự cố vỡ hồ đập thủy điện của Nghệ An vẫn chưa được đưa ra để tính toán xem quá trình vận hành nó như thế nào?
Và, với việc kiểm tra toàn diện các nhà máy thủy điện trên địa bàn trong thời gian qua, hy vọng rằng đoàn công tác sẽ sớm công bố những mức độ ảnh hưởng của việc xả lũ để giảm thiểu rủi ro, cánh báo mức độ thiên tai cho các địa phương chịu ảnh hưởng. UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu đoàn kiểm tra phải báo cáo kết quả kiểm tra tác động của thủy điện trên địa bàn trước ngày 30/10.