Chỉ tính từ năm 2012 đến năm 2018, qua kiểm tra, rà soát, tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định chấm dứt, thu hồi 151 dự án “ôm” hơn 36 nghìn ha đất.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, Nghệ An cũng đã thu hút được 502 dự án đầu tư với diện tích đất quy hoạch của các dự án là 30.520,35 ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư 84.151 tỷ đồng. Theo đó, Nghệ An cũng đã chấp thuận thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với 303 dự án, với diện tích 3.164,1 ha.
Nhức nhối chuyện dự án “treo” kéo dài
Tuy nhiên, tình trạng dự án chậm tiến độ, dự án được gia hạn nhiều lần nhưng không triển khai ở Nghệ An không chỉ gây lãng phí quỹ đất mà còn ảnh hưởng môi trường thu hút đầu tư trong thời gian qua.
Đây cũng là vấn đề luôn làm nóng nghị trường HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII tại nhiều kỳ họp vừa qua. Nhiều đại biểu đề nghị, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc thu hồi dự án cố tình “găm” đất suốt thời gian dài không triển khai đầu tư xây dựng như cam kết. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này, người đứng đầu các Sở, ban, ngành ở Nghệ An vẫn đang loay hoay với cách xử lý, giải quyết.
Có thể bạn quan tâm
12:28, 06/07/2019
14:43, 03/07/2019
14:13, 23/06/2019
17:49, 21/06/2019
18:13, 17/06/2019
Ông Nguyễn Xuân Đức – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin, từ năm 2012 đến 2018, Nghệ An đã tham mưu, thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế 500 lượt dự án đối với 421 dự án hiện có (chiếm 35,5% dự án trên địa bàn toàn tỉnh) đều phát hiện nhiều tồn tại, bất cập.
Từ năm 2012 đến năm 2018, qua rà soát, Sở KH&ĐT phối hợp với các cơ quan liên qua đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động đối với 151 dự án với tổng diện tích hơn 36 nghìn ha đất.
Nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đang bị thu hồi như: Dự án Chăn nuôi bò thịt và bò giống của Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và chế biến APC Nghệ An (tổng mức đầu tư 3.021 tỷ đồng); Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu D, Khu công nghiệp Nam Cấm của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (2.500 tỷ đồng); Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và công nghiệp của Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ đầu tư và Công nghệ môi trường Tiến Thịnh (1.000 tỷ đồng)…
Tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, kỳ họp thứ 9 diễn ra vào chiều 11/7/2019, bà Thái Thị An Chung – đại biểu HĐND huyện Tân Kỳ cho rằng, thực trạng dự án chậm tiến độ, dự án cố tình “găm” đất không triển khai thời gian qua tồn tại có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương về công tác thẩm định, xác minh năng lực nhà đầu tư. Thế nhưng, trách nhiệm này vẫn chưa được người đứng đầu các Sở, ban, ngành trong đó có Sở TN&MT chưa được làm rõ.
Trả lời về vấn đề này, ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, đơn vị chỉ là một trong những cơ quan tham gia tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt, chấp thuận cho nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất.
“Sở TN&MT chịu trách nhiệm một phần và các ngành, địa phương liên quan phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về các dự án đầu tư” – ông Võ Duy Việt trả lời về trách nhiệm liên quan của mình đối với các dự án chậm tiến độ như vậy trước HĐND tỉnh Nghệ An.
Không được làm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Cũng tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra vào chiều 11/7, các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý và sử dụng đất đai như: Việc định giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án phát triển nhà ở còn chậm, chưa thật sát với giá thị trường. Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng còn bất cập.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất còn chậm, ảnh hưởng quyền lợi của dân. Vấn đề cuối là tình trạng lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền vẫn còn xảy ra tràn lan.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, rất quan trọng và công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Ông Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Sở TN&MT cần tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực hơn, trong đó chú trọng 4 nhóm giải pháp.
Đó là tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, tập trung rà soát bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Tập trung chỉ đạo, xử lý những bất cập trong quản lý, sử dụng đất hiện nay như rà soát, xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư có vi phạm, những dự án không triển khai, chậm tiến độ, nợ nghĩa vụ tài chính.
Nâng cao chất lượng thẩm định chấp thuận đầu tư, chất lượng thẩm định quy hoạch xây dựng, đặc biệt không chấp thuận đầu tư đối với những dự án mà chủ đầu tư có nhiều vi phạm. Mặt khác, cần chấn chỉnh kịp thời, có hiệu quả những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích trái phép, xây dựng sai quy hoạch hoặc sai giấy phép được cấp.
Tập trung rà soát, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chú trọng giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, vượt cấp. Chủ động tiếp nhận xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các ý kiến phản ánh của người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai.
Cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Với những giải pháp “nóng” đưa ra tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, kỳ họp thứ 9 diễn ra vào chiều 11/7, cử tri địa phương cho rằng, để thực hiện chỉ đạo này thì các cấp ngành của Nghệ An cần phải hiện thực hóa bằng hành động.
Và, quan trọng hơn cả đó là trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành cũng như địa phương liên quan phải được làm rõ khi để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ, dự án cố tình kéo dài thời gian triển khai trong suốt thời gian qua.