Nghệ thuật quản trị doanh nghiệp

Theo baocongthuong 10/02/2018 04:35

Tạo động lực làm việc cho nhân viên luôn là sự quan tâm của các nhà quản lý.

Chuyện kể rằng, người nuôi lừa bình thường cho lừa ăn 3 bó cỏ. Có hôm bỗng dưng thiếu cỏ, chỉ có 2 bó mà lừa vẫn kéo xe bình thường. Cho lừa ăn 3 bó làm gì nhỉ? Rồi sau nữa, lừa chỉ ăn 1 bó cỏ mà vẫn kéo xe được. Thế thì cần gì ăn? Cắt hết cỏ luôn. Chỉ đến khi lừa lăn ra chết, người nuôi lừa mới phát hiện ra một điều, muốn lừa kéo được xe thì phải cho nó ăn, ăn nhiều ăn ít thế nào chưa biết, nhưng không thể bắt nó nhịn đói mà kéo xe được.

Tạo động lực làm việc cho nhân viên luôn là sự quan tâm của các nhà quản lý. Song, ai cũng có tâm lý của người nuôi lừa: Đạt mục tiêu cao nhất với mức tiêu tốn tài nguyên thấp nhất, nói cách khác, chỉ với một lượng cỏ ít nhất, làm thế nào để lừa kéo xe khỏe nhất?

Đây cũng chính là câu hỏi muôn thuở về quản trị doanh nghiệp: Làm gì khiến nhân viên công ty làm việc hăng say hơn trong khi vẫn trả chừng đó lương?

Đã có nhiều nghiên cứu để tìm đáp số cho bài toán khó đó, kết quả: Con người không phải là cái máy mà là một thực thể vô cùng tế nhị, nhạy cảm. Động lực khiến nhân viên làm việc hăng say bao gồm nhiều thứ, không đơn nhất chỉ là tiền lương. Nếu đưa cho nhân viên đúng cái họ cần thì họ sẽ vui hơn, thỏa mãn hơn và làm việc tích cực hơn.

“Tháp nhu cầu” của nhà tâm lý học Abraham Maslow rất đáng tham khảo. Theo Maslow, nhu cầu của con người được chia làm hai nhóm chính: cơ bản và bậc cao.

Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố như mong muốn có đủ thức ăn, nước uống, được ngủ, nghỉ..., để tồn tại được trong cuộc sống.

Nhu cầu bậc cao bao gồm những nhân tố tinh thần như công bằng, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, vinh danh...

Đáp ứng đúng nhu cầu, được nhiều nhất mà mất ít nhất, là nghệ thuật của quản trị doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghệ thuật quản trị doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO