Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Đất đai 2024, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần xem xét điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo tính phù hợp...
>>Xem xét Luật Đất đai và 3 luật liên quan có hiệu lực từ 1/8
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 (sớm hơn 6 tháng so với quy định của luật là ngày 01/01/2025) để đảm bảo Luật này được triển khai thuận lợi, thông suốt.
Ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp hình thành thêm sau dự án
Theo đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Đất đai (lần 2), tiếp tục lấy ý kiến gồm 10 chương, 115 điều (giảm 58 Điều so với dự thảo lần 1) hướng dẫn 52 nội dung được giao trong Luật Đất đai 2024.
Trước nội dung Dự thảo này, nhiều doanh nghiệp phản ánh, liên quan đến quy định chuyển tiếp, Dự thảo chưa đảm bảo tính toàn diện và đầy đủ cơ sở pháp lý để giải quyết các trường hợp phát sinh trong thực tế trước thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực.
Cụ thể, Dự thảo bỏ sót quy định đối với trường hợp diện tích được hình thành thêm sau lấn biển. Trong khi trước đó tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định “Tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển để lấn biển thực hiện dự án đầu tư thì được tiếp tục sử dụng diện tích đất hình thành sau khi lấn biển theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Đáng nói, ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp hình thành thêm sau dự án cho chính chủ dự án lấn biển là quy định khá hợp lý, hướng tới bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư lấn biển khi họ đã bỏ công sức, nguồn vốn đầu tư và các chi phí để phòng, chống hoặc khắc phục các sự cố khách quan như sạt lở bờ biển trong quá trình thực hiện dự án.
Mặt khác, diện tích đất hình thành sau lấn biển liền ranh với phần lấn biển thuộc dự án mà chủ đầu tư đang thực hiện. Theo đó, sự ghi nhận phần diện tích đất này cho chủ đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển cũng là đảm bảo cho hoạt động triển khai dự án được thuận lợi, hiệu quả hơn bởi cùng một chủ thể đầu tư.
>>Thi hành sớm Luật Đất đai 2024: Xử lý dứt điểm dự án chậm tiến độ
Cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp
Liên quan đến vấn đề này, tại văn bản góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trên thực tế có trường hợp chủ đầu tư đã bỏ kinh phí để thực hiện công trình phòng, chống sạt lở bờ biển và hình thành thêm diện tích đất liền kề từ hoạt động này, phần diện tích đất này không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập. Hoạt động chống sạt lở bờ biển đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
Để đảm bảo hành lang pháp lý và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần của chính sách lấn biển trong Luật Đất đai 2024, VCCI đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp cho trường hợp trên theo hướng: Chủ đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư mà việc sạt lở bờ biển có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến diện tích đất của dự án và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tự bỏ kinh phí đầu tư thực hiện công trình phòng, chống sạt lở bờ biển trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà hình thành thêm diện tích đất liền kề với phần diện tích đất do chủ đầu tư đang sử dụng thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, sự hợp lý trên cần được tiếp tục kế thừa và quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 nhằm đảm bảo căn cứ pháp lý để thực hiện trên thực tế.
“Nghị định số 42/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động lấn biển không đề cập tới vấn đề này. Vì vậy, nếu cả hai Nghị định này đều bỏ ngỏ thì quyền lợi của nhà đầu tư sẽ không được đảm bảo, quá trình thực hiện dự án lấn biển cũng gặp nhiều cản trở”, PGS.TS Nguyễn Thị Nga nhấn mạnh.
Do đó, chuyên gia này đề xuất, cần cân nhắc điều chỉnh bổ sung thêm nội dung này. Việc bổ sung thêm nội dung chuyển tiếp không chỉ thể hiện tính kế thừa, đảm bảo tính ổn định, tính thống nhất trong xây dựng pháp luật mà còn giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn. Đồng thời, bổ sung này cũng là cụ thể hóa chính sách khuyến khích lấn biển và chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện lấn biển quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 190 Luật Đất đai năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Xem xét Luật Đất đai và 3 luật liên quan có hiệu lực từ 1/8
16:38, 08/06/2024
Quốc hội đồng ý đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024
11:05, 27/05/2024
Luật Đất đai mới có giải được bài toán dự án treo?
06:00, 12/05/2024
Đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống
05:00, 11/05/2024
Chuẩn bị đủ các điều kiện để đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống
00:14, 05/05/2024
Tránh vướng mắc khi triển khai Luật Đất đai
18:01, 25/04/2024
Luật Đất đai đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật
13:44, 23/04/2024