Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương tại tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định", diễn ra chiều 5/10.
>>>Nghị quyết 128/NQ-CP, điểm nhấn tô lại bức tranh… gam màu xám
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ KHĐT đánh giá, Nghị quyết 128/NQ-CP đã đặt nền móng rất lớn và là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như hiện nay. Ông cho rằng, Nghị quyết 128 ra đời đã cho thấy những tác động hết sức kịp thời đối với tăng trưởng kinh tế và ngay trong quý IV/2021, kinh tế Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng dương.
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT, bước sang năm 2022, chúng ta có thêm các giải pháp bổ sung để tác động đến tăng trưởng ngoài những giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2022, đó là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43 về các giải pháp tiền tệ bổ sung để hỗ trợ thực hiện cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.
Ông Phương cho rằng, với những giải pháp bổ sung này, kết quả tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2022 đến hết quý III/2022 của Việt Nam đã có sự phục hồi rõ nét. Sự phục hồi đó thể hiện rõ qua các quý, và sự phục hồi luôn được duy trì, hướng tới phục hồi hoàn toàn để có điều kiện phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
“Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 13,67%. Có lẽ chúng ta đều bất ngờ với con số này và chưa bao giờ chúng ta thấy được một kết quả tăng trưởng GDP lên trên 2 con số. Trên cở sở đó, tính bình quân của 9 tháng năm 2022, chúng ta đạt 8,83%, đây cũng là mức tăng trưởng cao”, ông Phương đánh giá.
Để lý giải cho việc tăng trưởng cao trên, theo ông Phương, có 2 khía cạnh. Thứ nhất, nội tại của quý III/2022, chúng ta thấy rằng, nền của quý III/2021 tăng trưởng âm rất sâu hơn 6%, chính vì vậy, cộng với sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế trong quý III, kết quả tăng trưởng GDP của quý III/2022 đạt 13,67%.
Thứ hai, để đạt được con số tăng trưởng này, nền kinh tế việt Nam đã phục hồi thật và phục hồi một cách mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, lĩnh vực nông nghiệp được coi là một trụ đỡ vững chắc cho nến kinh tế và hiện nay các hoạt động của nông nghiệp mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về giá nguyên, nhiên liệu, giá đầu vào cao, nhưng ngành nông nghiệp đã tăng trưởng 3% trong GDP.
Ngành Công nghiệp có sự phục hồi rõ nét. Đến nay, các chỉ số liên quan đến công nghiệp như năng lực sản xuất, chỉ số IP, hay giá trị tăng thêm của IP đều tăng ở mức 2 con số. Riêng ngành chế biến chế tạo đã vượt lên trên 2 con số và hầu như đã trở lại trạng thái của thời điểm trước dịch.
“Về khu vực dịch vụ cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ với chính sách mở cửa ngành du lịch trong tháng 3/2022, hầu hết các ngành dịch vụ đều đã phục hồi, mặc dù vẫn còn một số lĩnh vực chưa phục hồi hoàn toàn như trước dịch như du lịch quốc tế, hiện vẫn đạt kế hoạch khiêm tốn, với khoảng 1,8 triệu khách du lịch từ đầu năm đến nay, tương đương với lượng khách của 1 tháng thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, các ngành dịch vụ khác lại phục hồi rất mạnh mẽ như ngành vận tải, ngành dịch vụ sửa chữa…”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, tiêm vaccine phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đồng thời, xác định vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt: Bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất với phương châm "vaccine tốt nhất là vacicne được tiếp cận sớm nhất".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận, bao phủ vaccine đã được triển khai khoa học, đồng bộ, hiệu quả, trên mọi phương diện như: Từ thành lập Quỹ vaccine huy động nguồn lực từ ngoại giao vaccine đến tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc, lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine.
“Chúng ta đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại cộng đồng, các địa điểm công cộng, trường học, thậm chí tổ chức đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo mọi người dân đều được tiêm chủng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh. Đồng thời bà cho biết, tính đến ngày 30/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 260 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng, Nghị quyết 128 là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá sang trạng thái chung sống với COVID-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội.
Theo TS. Angela Pratt, đại dịch COVID-19 đã tạo ra tác động rất lớn đối với Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Bà cho rằng, cần đánh giá đầy đủ những tác động về mặt xã hội. Trong đó rất nhiều người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung. Vì vậy phải cân bằng các biện pháp khi mở cửa nền kinh tế.
“Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết này. Trước hết Việt Nam đã bao phủ tỉ lệ tiêm chủng rất cao và tỉ lệ này gia tăng theo thời gian. Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát lây lan của virus ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp tại nơi công cộng… Tôi cho rằng đó là một bài học kinh nghiệm nữa được rút ra ngay từ đầu đại dịch và có thể ứng dụng trong các giai đoạn tiếp theo trong việc kiểm soát và quản lý COVID-19”, TS. Angela Pratt chia sẻ.
Còn theo ông John Rockhold - Chủ tịch AmCham tại Việt Nam, Nghị quyết 128 đã phản ánh sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Chiến lược này cũng được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi.
Chủ tịch AmCham tại Việt Nam cho rằng, hiện tại hầu hết các quốc gia đang chấp nhận sống chung với virus, tức vừa chống COVID-19, vừa đồng thời phát triển kinh tế. Theo ông, sự thay đổi này có ý nghĩa to lớn giúp duy trì các chuỗi cung ứng cũng như thu hút sự quan tâm của các công ty FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
“Các thành viên của AmCham là các công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp trong chăm sóc sức khỏe và chúng tôi hoan nghênh những giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục khôi phục sự linh hoạt cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như du lịch”, ông John Rockhold nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
[TRỰC TIẾP] Tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định"
14:02, 05/10/2022
Nghị quyết 128/NQ-CP, điểm nhấn tô lại bức tranh… gam màu xám
04:10, 01/01/2022
Số ca tử vong, nguy kịch giảm mạnh sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128
23:02, 20/11/2021
Bộ trưởng Bộ Y tế nêu giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết 128
10:18, 10/11/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Khẩn trương tập huấn Nghị quyết 128 và Hướng dẫn 4800 cho các địa phương trên cả nước
21:35, 24/10/2021