Trước những tác động tiêu cực từ COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP được ban hành đã và đang tạo ra được những hiệu ứng tích cực cho việc phục hồi và phát triển kinh tế…
>>Nghị quyết 128: Khơi thông dòng chảy cuộc sống - “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp mở cửa
Đợt dịch COVID-19 thứ 4 tác động lớn tới kinh tế Việt Nam, gam màu xám có xu hướng lan rộng hơn trong bức tranh tổng thể kinh tế, nhất là khi các tỉnh, thành nhiều tháng căng mình chống dịch bằng các biện pháp giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến chuỗi cung ứng nhiều ngành hàng bị đứt gãy.
Thực tế, đợt bùng phát dịch lần thứ 4, với ảnh hưởng nặng nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ, đã giáng đòn mạnh lên bức tranh tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp. 19 tỉnh thành phía Nam bị ảnh hưởng bởi COVID-19 bao phủ 44,4% tổng GDP của cả nước, với nhiều trọng điểm về sản xuất như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Đáng nói, trong số các tỉnh, thành chịu tác động tiêu cực của COVID-19, duy nhất Bình Phước tăng trưởng 1% trong quý III, 18/19 tỉnh còn lại đều tăng trưởng âm, trong đó, 12/19 tỉnh Đông Nam Bộ tăng trưởng âm trên 10%, riêng TP. Hồ Chí Minh âm trên 20% trong quý III. Tại phía bắc, Hà Nội cũng là thành phố duy nhất chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh dẫn tới tăng trưởng âm.
Trước gam màu xám của bức tranh kinh tế, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp “cởi trói” tinh thần cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, kinh tế - xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Thực tế cho thấy, sau hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã ghi nhận mức tăng rất mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016, thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; tăng trưởng tín dụng đạt 9,65%. Hết tháng 11, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn cho phòng, chống dịch cũng như cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.
Sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc, hầu hết các ngành công nghiệp cấp I đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5.5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Năng suất lúa đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 8 triệu tấn, hoạt động thu hoạch, khai thác, chế biến thủy sản tiếp tục phục hồi, sản lượng thủy sản tháng 11 tăng 3,2% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 0,5%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so tháng trước, trong đó nhiều ngành dịch vụ phục hồi tích cực.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10. 11 tháng có 146.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 tăng 14,7% so tháng 10/2021; đạt 73,8% kế hoạch năm. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 11 tháng tăng 11%; vốn thực hiện đạt 17,1 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam…
Sự phục hồi sản xuất và kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội đã tạo sức bật rõ rệt cho nền kinh tế và điểm nhấn lớn nhất xuất phát từ việc ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP.
Nếu như thời điểm cuối tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước nhập siêu 2,13 tỷ USD thì đến nay, cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều ngoạn mục khi đạt con số xuất siêu 225 triệu USD sau 11 tháng.
>>Nghị quyết 128/NQ-CP: Chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ, thiếu thống nhất
Thông tin với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Viện Thương mại và kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, Nghị quyết số 128/NQ-CP đã cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, việc đánh giá, xác định cấp độ dịch và biện pháp áp dụng ứng với từng cấp độ.
Theo ông Lạng, các quy định liên quan đến phòng, chống dịch trước đây được tạm dừng thể hiện sự nhạy bén rất cao trong điều hành của Chính phủ. Điều này bảo đảm quy định được đơn giản, áp dụng thống nhất, giảm thiểu tình trạng các địa phương từ đặt thêm quy định và tăng hiệu năng thực hiện.
“Với cách tiếp cận này, hoạt động lưu thông, sản xuất luôn được chú trọng thúc đẩy thực hiện tối đa theo sát giới hạn tác động bị kiểm soát của dịch bệnh, do đó, giảm thiểu thiệt hại từ sự gián đoạn lưu thông, dừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các giao dịch kinh tế mở rộng và vận động liên tục cao nhất, tăng lượng giá trị sáng tạo cho nền kinh tế.
Đây là việc chuyển tiếp phù hợp chưa có tiền lệ giữa các loại quy định, giảm chi phí điều chỉnh khác biệt quy định giữa các địa phương, và tránh lãng phí nguồn lực phát sinh trong dịch COVID-19”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Nghị quyết 128/NQ-CP đã thay đổi toàn bộ quan điểm phòng, chống dịch của Chính phủ, từ “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” phù hợp với bối cảnh thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình, điểm tích cực nhất của Nghị quyết số 128/NQ-CP là trong mọi tình huống, diễn biến của dịch COVID-19 đều có thể tổ chức sản xuất được, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng dịch. Việc ban hành một Nghị quyết với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thống nhất trên phạm vi cả nước, công khai cho người dân, doanh nghiệp cho thấy Chính phủ đã trao sự chủ động cho doanh nghiệp nên hiệu quả khôi phục kinh tế sẽ nhanh hơn.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 128/NQ-CP: Tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương
04:00, 21/10/2021
Nghị quyết 128/NQ-CP: Không để tình trạng “cát cứ” khi thực hiện
04:00, 20/10/2021
Nghị quyết 128/NQ-CP: Khắc phục bất cập, vướng mắc trong lưu thông
10:45, 19/10/2021
Nghị quyết 128 - Khơi thông dòng chảy cuộc sống (Bài 2): Chiến lược và các bước thực thi
17:35, 15/10/2021
Nghị quyết 128: Khơi thông dòng chảy cuộc sống (Bài 1): “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp mở cửa
11:31, 15/10/2021
Nghị quyết 128/NQ-CP: Chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ, thiếu thống nhất
04:50, 13/10/2021