Nghiên cứu nào có cơ hội chiến thắng giải thưởng 4,5 triệu USD của VinFuture mùa 3?

NHƯ VŨ 18/12/2023 09:00

Chủ nhân của các giải thưởng VinFuture với tổng trị giá 4,5 triệu USD sẽ chính thức lộ diện trong Lễ trao giải diễn ra vào tối ngày 20/12 tới tại Hà Nội.

Đánh giá cao tầm nhìn và tính thời đại của chủ đề “Chung sức toàn cầu” của VinFuture mùa 3, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế dự đoán, trước những thách thức to lớn về khí hậu, môi trường và sức khỏe mà nhân loại phải đối mặt thì các nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực phát triển xanh, khoa học sự sống hay y học chính xác... sẽ có nhiều cơ hội được vinh danh tại Lễ trao giải VinFuture 2023.

>> Chuyên gia từ ĐH Stanford: “VinFuture thúc đẩy sự phát triển công bằng của thế giới”

GS. Pieter Cullis, đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2021, Giám đốc Viện Khoa học Đời sống tại Đại học British Columbia (UBC) (Ảnh: BIV)

GS. Pieter Cullis, đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2021, Giám đốc Viện Khoa học Đời sống tại Đại học British Columbia (UBC) (Ảnh: BIV).

Những ứng viên “nặng ký” cho các giải thưởng VinFuture mùa 3

Bàn về những lĩnh vực có nhiều tiềm năng “lên ngôi” tại Lễ trao giải VinFuture mùa 3, GS. Pieter Cullis, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2021 cho rằng, ngành Khoa học Sự sống đang chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chưa từng có dưới sự giúp sức của Trí tuệ nhân tạo. Hay khi dân số thế giới ngày một già đi thì việc tìm kiếm phương thức để làm chậm quá trình lão hóa và phòng ngừa các bệnh tuổi già là một trong những thách thức lớn. Nghiên cứu trong các lĩnh vực này vì thế theo ông là rất tiềm năng.

Cũng dành sự quan tâm lớn cho ngành Khoa học Sức khỏe, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định nhiều cơ hội nhất sẽ là lĩnh vực y học chính xác. Theo ông, cuộc sống chính là phần thưởng quý giá nhất. Vừa qua, Covid-19 trong chỉ 2 năm đã khiến 6,5 triệu người chết, mức độ khủng khiếp còn hơn cả một cuộc chiến tranh.

“Bởi thế, những nghiên cứu, phát minh trong lĩnh vực y học chính xác giúp chữa các bệnh nan y như ung thư, AIDS hay các bệnh dịch tiềm ẩn… sẽ có nhiều ưu thế nhất năm nay”, vị chuyên gia nhận định.

Liên hệ đến Hội nghị COP28 tại UAE đang quy tụ đông đảo các chính trị gia và giới khoa học trên khắp thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng biến đổi khí hậu cũng là một bài toán nan giải của cả nhân loại. Thậm chí, đây còn là thời điểm then chốt cho các hành động vì khí hậu khi các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng khốc liệt hơn trên toàn cầu.

“Phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn đang được xem là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Bởi thế, đây cũng là một lĩnh vực giàu triển vọng”, ông Khải bổ sung.

GS. Thalappil Pradeep, Chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho các nhà khoa học đến từ quốc gia đang phát triển, Giáo sư đầu ngành và Giáo sư Khoa Hóa học tại Học viện Deepak Parekh (Ảnh: VinFuture)

GS. Thalappil Pradeep, Chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho các nhà khoa học đến từ quốc gia đang phát triển, Giáo sư đầu ngành và Giáo sư Khoa Hóa học tại Học viện Deepak Parekh (Ảnh: VinFuture).

Nhận định này nhận được nhiều sự đồng tình của các nhà khoa học quốc tế. Theo GS. Thalappil Pradeep, chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 cho Nhà khoa học từ các nước đang phát triển, trong thế giới hiện nay, thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt là biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và bất bình đẳng...

Vị Giáo sư người Ấn Độ cho rằng, từ góc nhìn riêng, mỗi người đều thấy được những điều tốt đẹp trong các nghiên cứu. Tuy nhiên, ông tin tưởng, Hội đồng Giải thưởng VinFuture, với rất nhiều đại diện có nền tảng xuất sắc, sẽ nhận thấy điều gì là tốt cho thế giới và chắc chắn sẽ đưa ra quyết định đúng đắn.

Trong khi đó, TS. Van Schepler-Luu tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế ở Phillippines (IRRI) dự đoán các nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, chỉnh sửa gen hoặc các dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ được chú ý và có khả năng đoạt giải năm nay.

“Đây là các lĩnh vực nổi bật và cấp thiết hiện nay, đặc biệt khi chúng ta đối mặt với những thách thức to lớn về môi trường và sức khỏe, cũng như cần sự phát triển của công nghệ thông minh để giải quyết các vấn đề xã hội”, “nhà lúa học” gốc Việt phân tích.

Theo các chuyên gia, dù công trình nào được vinh danh tại Lễ trao giải VinFuture mùa 3, đó cũng sẽ là các lĩnh vực giúp nhân loại giải quyết được những thách thức chung, và rất cần có sự chung sức trên toàn cầu để mang tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người.

Chủ đề mùa giải mang tầm nhìn toàn cầu, ý nghĩa nhân văn và thời đại

“Chung sức toàn cầu” cũng chính là chủ đề của Giải thưởng VinFuture năm nay. Với thông điệp đó, VinFuture mùa 3 đã nhận được 1.389 hồ sơ đề cử từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ - tăng gấp 3 lần so với mùa giải đầu tiên.

TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Ảnh: VUSTA)

TSKH. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Ảnh: VUSTA).

TSKH. Nghiêm Vũ Khải cho biết ông đặc biệt ấn tượng với sự trưởng thành nhanh chóng của giải thưởng KHCN toàn cầu đầu tiên do người Việt khởi xướng. Tuy mới bước sang mùa giải thứ 3 nhưng VinFuture đã trở thành một trong những giải thưởng uy tín bậc nhất thế giới về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Theo ông, hiện nay gắn kết thế giới rất rời rạc, lợi ích phân chia, phân cực giàu nghèo rất lớn… Trong khi đó, các vấn đề chung của nhân loại lại bị hạ thấp. Vì thế, “Chung sức toàn cầu” là một chủ đề mang tính nhân văn và thời đại và cũng là một đòi hỏi cấp bách của nhân loại.   

Chủ đề cũng truyền cảm hứng sáng tạo và đổi mới, khuyến khích các nhà phát minh vượt ra khỏi những giới hạn thông thường, như biên giới địa lý hay các lối suy nghĩ truyền thống, để tạo ra sự phát triển mới của KHCN, giúp thay đổi hoàn toàn cách con người sống và làm việc.

GS. David Neil Payne - đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2022, nhà nghiên cứu tiên phong và nổi tiếng quốc tế về quang tử. Ông là Giáo sư hàng đầu tại Đại học Southampton (Ảnh: Đại học Southampton)

GS. David Neil Payne - đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2022, nhà nghiên cứu tiên phong và nổi tiếng quốc tế về quang tử. Ông là Giáo sư hàng đầu tại Đại học Southampton (Ảnh: Đại học Southampton).

“Chủ đề thể hiện tầm nhìn lớn lao và bao quát của Giải thưởng khi không chỉ gắn kết các nhà khoa học với nhau mà còn gắn kết cả nhà hoạch định chính sách, nhà kinh tế, người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khu vực và quốc tế… cùng chung tay giải quyết những bài toán lớn mà nhân loại đang phải đối mặt”, ông Khải phân tích.  

Theo vị chuyên gia, nhiều vấn đề mới phát sinh hiện nay, như biến đổi khí hậu, đại dịch… đã vượt qua biên giới quốc gia và trở thành những thách thức toàn cầu. Nếu chỉ dùng những nguồn lực đơn lẻ, riêng biệt thì không thể giải quyết được. Ngược lại, “chung sức toàn cầu” còn giúp ngày càng nhiều người dân trên thế giới được thụ hưởng những thành quả mà KHCN mang lại.

Chủ đề này cũng được GS. David Neil Payne, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2022, đánh giá rất cao. Theo nhà khoa học người Anh, thế giới đang bị chia rẽ đáng kể bởi những quan điểm khác nhau, tình hình địa chính trị đang rất phức tạp, cần sự chung sức của toàn nhân loại.

“Sự đoàn kết nhân loại nhằm giải quyết các vấn đề chung có ý nghĩa lớn và những giải thưởng như VinFuture sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng để làm bền chặt hơn sợi dây liên kết ấy”, GS. Payne nhìn nhận.

Trong khi đó, GS. Pieter Cullis cho rằng nội hàm “chung sức toàn cầu” trên thực tế đã được thể hiện xuyên suốt trong 2 mùa giải vừa qua. Những công trình đạt Giải thưởng Chính của mùa 1 và 2 đều là tổ hợp của các nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo GS. Cullis, có những công trình nghiên cứu riêng lẻ mãi mãi không đi đến đích nhưng khi “chung sức” thì lại có thể tạo ra những giá trị đột phá.

“Việc đề cao tính liên ngành chính là một tiêu chí rất khác biệt của VìnFuture so với các giải thưởng quốc tế khác. Nó cho thấy tầm nhìn cũng như tầm vóc toàn cầu của một giải thưởng với sứ mệnh phụng sự nhân loại”, nhà khoa học người Canada nhận định.

Chủ nhân của các giải thưởng VinFuture với tổng trị giá 4,5 triệu USD sẽ chính thức lộ diện trong Lễ trao giải diễn ra vào tối ngày 20/12 tới tại Hà Nội. Đây sẽ là thời khắc quan trọng, vinh danh những nhà phát minh của những công trình đột phá, “chung sức toàn cầu” góp phần kiến tạo môi trường sống bền vững và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai.

Có thể bạn quan tâm

  • Người đầu tiên trên thế giới tìm ra tế bào “T điều hòa” sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại VinFuture 2023

    Người đầu tiên trên thế giới tìm ra tế bào “T điều hòa” sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại VinFuture 2023

    16:29, 13/12/2023

  • Chuyên gia từ ĐH Stanford: “VinFuture thúc đẩy sự phát triển công bằng của thế giới”

    Chuyên gia từ ĐH Stanford: “VinFuture thúc đẩy sự phát triển công bằng của thế giới”

    10:00, 13/12/2023

  • VinFuture quy tụ các trí tuệ hàng đầu tìm lời giải cho bài toán y tế lớn nhất hậu COVID-19

    VinFuture quy tụ các trí tuệ hàng đầu tìm lời giải cho bài toán y tế lớn nhất hậu COVID-19

    10:00, 05/12/2023

  • VinFuture công bố tuần lễ khoa học công nghệ và lễ trao giải 2023

    VinFuture công bố tuần lễ khoa học công nghệ và lễ trao giải 2023

    11:30, 28/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghiên cứu nào có cơ hội chiến thắng giải thưởng 4,5 triệu USD của VinFuture mùa 3?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO