Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 mới được các đơn vị công bố, Saigon Co.op đã soái ngôi WinCommerce về thị trường bán lẻ.
>>Bán lẻ sẽ hụt hơi nửa đầu năm 2023
Vừa qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cùng đại diện các sở ban ngành đã tới thăm và chúc Tết cán bộ, nhân viên của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op).
Tại sự kiện, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho biết năm 2022, đơn vị đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đề ra. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu của (Saigon Co.op)
Trong giai đoạn Tết Quý Mão 2023, ông Đức cho hay, gần 1.000 điểm bán của đơn vị đã phục vụ hơn 1,08 triệu lượt khách hàng trong 8 tuần cao điểm mua sắm.
"Kết quả trên cho thấy Saigon Co.op tiếp tục là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Năm 2023, chúng tôi phấn đấu tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đẩy mạnh thương mại điện tử và logictics dựa vào sức mạnh cốt lõi là phân phối bán lẻ", ông Đức khẳng định.
Như vậy, đây là năm thứ 6 liên tiếp doanh thu của Saigon Co.op vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với con số 32.000-35.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2020, hệ thống bán lẻ này chỉ đang dần phục hồi sau đại dịch.
Dù vậy, với kết quả này, ông Nguyễn Anh Đức khẳng định rằng Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường. Thực tế ghi nhận, doanh thu năm 2022 của Saigon Co.op vẫn nhỉnh hơn so với con số khoảng hơn 29.200 tỷ đồng của WinCommerce - hệ thống dẫn đầu năm 2021.
Mặc khác, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN), trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu của WinCommerce tăng 10,8% trong quý IV/2022 và tăng 6,4% trong năm 2022. Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh được Masan công bố, doanh thu thuần cả năm 2022 của WinCommerce đạt mức hơn 29.300 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Theo Masan, biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng của WinCommerce là 6,5%. Ngoài ra, 65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động so với 45% cửa hàng WinMart+ được mở và hoạt động vào năm 2021 đã đạt hòa vốn EBITDA.
Dự kiến năm 2023, WinCommerce sẽ mang lại doanh thu thuần khoảng 36.000 tỷ đồng – 40.500 tỷ đồng, tăng 23% - 38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng, với việc WinCommerce đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng trong năm 2023.
>>Năm 2023 là năm “bản lề” để kinh tế Việt Nam “tăng tốc”
>>Năm 2023: Bán lẻ sôi động nhờ chuyển đổi số
Theo báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh hồi tháng 12/2022 của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG), đơn vị bán lẻ của doanh nghiệp là Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021.
Còn trong quý IV/2022, doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng của Bách Hóa Xanh đạt mức 1,37 tỷ đồng, tăng 45% so với quý I/2022. Lợi nhuận trực tiếp (EBIT) tại cửa hàng cũng chuyển từ âm sang dương 2% - 3%.
Năm 2023, Bách Hóa Xanh sẽ tiếp tục tối ưu hóa chi phí hoạt động các chương trình cải thiện chuỗi cung ứng và mua hàng với mục tiêu đạt điểm hòa vốn toàn chuỗi vào cuối quý IV.
Với kết quả này, Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ đứng đầu thị trường là có cơ sở khi doanh thu năm 2022 của Saigon Co.op đã vượt lên trên WinCommerce lẫn Bách Hóa Xanh, trong đó có WinCommerce là đơn vị từng dẫn đầu thị trường về doanh thu trong năm 2021, trong khi một số đơn vị khác vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2022.
Theo VNDirect ước tính tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý III/2023, nhờ tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại trong năm 2023 khi lãi suất điều hành Fed dần hạ nhiệt; biến động vĩ mô tại Việt Nam đang dần ổn định, giúp nâng cao niềm tin tiêu dùng của người dân; tiêu dùng phục hồi tại khu vực EU và Hoa Kỳ mang lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện tại vẫn tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng tốt ở mức 25,3% so với cùng kỳ trong tháng 10/2022, phần lớn nhờ mức nền thấp của năm 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng hơn 18%. Nhìn chung đầu năm 2023 nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Bán lẻ sẽ hụt hơi nửa đầu năm 2023
15:06, 29/01/2023
Công ty khởi nghiệp HelloGold ngừng hoạt động bán lẻ tại Malaysia và Thái Lan
01:19, 28/01/2023
Năm 2023 là năm “bản lề” để kinh tế Việt Nam “tăng tốc”
03:30, 19/01/2023
Doanh nghiệp quan ngại quy định đại lý bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một nguồn
03:30, 18/01/2023
Năm 2023: Bán lẻ sôi động nhờ chuyển đổi số
12:09, 13/01/2023
Những xu hướng sẽ dẫn dắt ngành bán lẻ trong năm 2023
03:20, 04/01/2023
“Sàng lọc” cổ phiếu bán lẻ
02:26, 31/12/2022
Hiện tượng bán lẻ nổi bật nhất năm 2022
04:20, 26/12/2022