Năm 2022 là năm ghi nhận sự phục hồi của ngành bán lẻ. Bán hàng đa kênh tiếp tục giữ vững ưu thế và mở rộng kênh bán hàng là xu hướng trong năm 2023.
>>Xu hướng công nghệ sẽ lên ngôi trong ngành du lịch
Kết quả khảo sát trên 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tình hình kinh doanh ngành bán lẻ năm 2022 có nhiều sự khởi sắc so với năm 2021 - về doanh thu, quy mô kinh doanh cũng như kênh bán hàng, vận chuyển và thanh toán. Đáng chú ý là xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng được nhân rộng và sự quay trở lại ưu tiên hàng đầu của tiền mặt trong thanh toán. DĐDN đã có cuộc chia sẻ với bà Dung Lê, Giám đốc Tăng trưởng, CGO của Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo về những xu hướng sẽ dẫn dắt ngành bán lẻ trong năm 2023.
- Thưa bà, sự phục hồi chung của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Ngành bán lẻ trong năm 2022 có những điểm nổi bật gì?
Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cho thấy, tuy 42% nhà bán hàng ghi nhận sự sụt giảm doanh thu so với năm 2021. Trong số các nhà bán lẻ có sự tăng trưởng doanh thu năm 2022, phần lớn trong số họ đang kinh doanh trong lĩnh vực Thời trang - Phụ kiện, Mỹ phẩm, Tạp hóa - siêu thị mini và Đồ chơi. Các nhà bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm sút trên 30% chủ yếu kinh doanh trong nhóm ngành Đồ gia dụng, sinh hoạt; Đồ mẹ và bé; Thuốc và thực phẩm chức năng. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30.7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.
>>TopCV Việt Nam và Google đồng hành trong chương trình phát triển nhân tài số
>>CHUYỂN ĐỔI SỐ: Con người đóng vai trò trọng tâm
Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. Sàn Thương mại điện tử được ưa chuộng nhất với tỷ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng, tiếp đó là mạng xã hội Facebook (39,13%), website (9,94%). TikTok Shop - kênh bán hàng mới xuất hiện trong năm 2022 hiện chỉ chiếm 1,24% tỷ trọng nhưng đang là xu hướng khai thác và chuyển dịch của nhà bán hàng. Trong số những nhà bán hàng chỉ kinh doanh trực tuyến hoàn toàn, tỷ lệ có sự tăng trưởng doanh thu so với 2021 nhiều nhất đến từ sàn thương mại điện tử (43,75%). Trong khi đó, phần lớn nhà bán hàng trên Facebook (mạng xã hội) cho biết họ ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 10-30%.
- Quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh và giãn cách xã hội đã tác động và tạo ra nhiều thay đổi trong lĩnh vực thanh toán và vận chuyển, thưa bà?
Xét về thanh toán, chuyển khoản lại được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ tiện lợi, dễ dàng sử dụng và đối soát (8,8/ 10 điểm). Xếp hạng tiếp theo là Tiền mặt (8,5 điểm), Ví điện tử (8,3 điểm), Quét mã QR ngân hàng (8,2 điểm). Hình thức Mua trước trả sau (Fundinn, Shopee Pay Later) mới được ra mắt và tích hợp trên sàn Thương mại điện tử trong năm 2022 nên chưa được sử dụng nhiều và chỉ đạt 2,6 điểm tiện lợi. Các phương thức thanh toán mới cần thêm nhiều thời gian để chinh phục thị trường bán lẻ.
Quá trình phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, tiền mặt quay trở lại ngôi vị số 1 trong nhóm phương thức thanh toán được người mua hàng sử dụng nhiều nhất và nhà bán hàng chấp nhận (chiếm 29,46% tỷ trọng). Vị trí tiếp theo là chuyển khoản, quét mã QR và cuối cùng là Ví điện tử. Có thể nói, phong trào Ngân hàng số - Chuyển đổi số toàn diện trong ngành ngân hàng năm 2022 cũng tác động trực tiếp đến ngành Bán lẻ.
Còn về vận chuyển, theo khảo sát của SAPO thì top 5 hình thức được sử dụng nhiều nhất và ưa chuộng nhất được xếp theo thứ tự là: Sử dụng trực tiếp các hãng vận chuyển; Nhân viên, chủ cửa hàng tự vận chuyển; Vận chuyển qua đối tác giao hàng của Sàn TMĐT, Gọi shipper lẻ, xe ôm; Gửi xe khách, tàu hỏa. Giá cả đã quay trở lại vị trí top 1 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn đơn vị vận chuyển.
- Bà có thể chia sẻ về dự đoán những xu hướng ngành bán lẻ 2023 mà SAPO đưa ra?
Nhờ cộng đồng doanh nhân năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn nên ngành bán lẻ có những dấu ấn rất rõ rệt của sự phục hồi. Kết thúc năm 2022, nhà bán hàng kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Vì người tiêu dùng đang cởi mở trong lựa chọn, sẵn sàng thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm khi mua hàng. Thương mại điện tử sẽ tiếp tục trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Người mua hàng của ngành bán lẻ sẽ trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, tiếp tục duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trong 12 tháng tới. Do đó, xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ được dự đoán với 3 xu hướng chính.
Trước hết là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Xu hướng thứ 2 được dự đoán là Shoppertainment - Mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Và cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp trong ngành bán lẻ được dự đoán sẽ là xu hướng thứ 3, trong đó ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bán hàng sẽ giúp chủ cửa hàng ngành bán lẻ mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
15:51, 29/12/2022
CHUYỂN ĐỔI SỐ: Khung hướng dẫn cho doanh nghiệp
15:38, 28/12/2022
VNDirect: Ngành bán lẻ sẽ thắt chặt hầu bao
03:00, 11/12/2022
Điện toán đám mây: Tương lai của ngành bán lẻ
14:47, 04/10/2022
Ngành bán lẻ dược phẩm: Chuyển đổi sang hình thức thương mại hiện đại
04:15, 21/09/2022