Tiềm lực tài chính mạnh, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc rất có khả năng trở thành ngôi sao dẫn dắt cuộc chơi và là nhân tố mới được cho là sẽ tạo ra những thay đổi căn bản dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm, thị trường đầu tư Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD. Trong đó, hơn một nửa số vốn này “chảy” vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xếp ở vị trí thứ 2 là lĩnh vực bất động sản với quy mô chiếm 10,8% tổng vốn đăng ký. Top 3 nhà đầu tư lớn nhất trong giai đoạn đầu của năm lần lượt là Hàn Quốc (26,5%), Nhật (15,4%) và Singapore (11,25%).
Có thể bạn quan tâm
00:52, 21/06/2018
11:40, 20/06/2018
03:44, 20/06/2018
Nếu các năm trước, làn sóng rót vốn vào Việt Nam chủ chốt đến từ 3 quốc gia Nhật, Hàn Quốc và Singapore, thì vào thời điểm này, thị trường bắt đầu đón nhận một dòng tiền mới có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hong Kong, Ma cao hay Đài Loan. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đang có sự thay đổi đáng kể.
Nhìn một cách tổng thế, năm 2017, đã có 284 dự án đầu tư mới của Trung Quốc vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 1,41 tỷ USD. Trong 5 tháng đầu năm 2018, đã có 128 dự án cấp mới, 25 dự án tăng vốn, 380 lượt góp vốn, mua cổ phần trị giá khoảng 670 triệu USD. Theo đó, quy mô các dự án đầu tư của Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng.
Cụ thể, từ mức trung bình 1,5 triệu USD/ dự án vào năm 2007, các dự án của Trung Quốc đang tăng hơn ba lần về quy mô, lên mức trung bình 5 triệu USD/dự án vào năm 2017. Nếu như trước đây, chủ yếu các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư thông qua liên doanh, mua lại các doanh nghiệp Việt Nam thì hiện nay, ngày càng có nhiều các dự án 100% vốn FDI được thành lập.
Ngoài ra, minh chứng cho dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có nhiều thay đổi, nhìn lại từ năm 2012, nhà đầu tư Trung Quốc khi đó mới xếp thứ 13 trong số 100 đối tác đầu tư vào Việt Nam.
Thêm nữa, mặc dù diễn ra khá kín tiếng, tuy nhiên dòng vốn đầu tư của Trung Quốc đang ngày càng rõ nét ở nhiều tỉnh thành trọng điểm thông qua các thương vụ đầu tư đáng chú ý. Trong đó, phải kể đến các dự án đầu tư với dòng vốn khủng như dự án resort kết hợp casino Nam Hội An của liên doanh Chow Tai Fook (Hồng Kông) - Suncity Group (Ma Cao) - Vina Capital trị giá lên đến 4 tỉ USD, hay khá nhiều các thương vụ thâu tóm khách sạn kín kẽ tại Đà Nẵng. Đó là chưa kể một số nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông đã đề xuất xin tham gia vào các công trình hạ tầng trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc Nam và sân bay quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên cái tên đáng chú ý nhất phải kể đến Alpha King. Được biết, sau khi chính thức tham gia hai dự án cao cấp là Alpha Tower tại 289, Trần Hưng Đạo và Alpha City tại 87, Cống Quỳnh, Quận 1, TP.HCM. Ngoài ra, các lô đất vàng mà tuyển Metro số 1 đi qua khi đi vào hoạt động cũng được nhà đầu tư này quan tâm.
Theo Bloomberg, tổng giá trị các thương vụ của Trung Quốc ở nước ngoài năm 2017 đã chạm mốc 158 tỉ USD. Nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ vốn vào những dự án khổng lồ trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhìn ở góc độ trực diện, dường như đây là một cơ hội đối với Việt Nam, khi nguồn vốn vay ODA ưu đãi từ World Bank đã kết thúc từ tháng 7/2017. Ngoài ra, nguồn vốn vay ODA ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng sẽ hết hạn từ tháng 1/2019 và Việt Nam sẽ tiến tới vay theo điều kiện thị trường.
Với nền tảng kinh tế ổn định, chất lượng hạ tầng giao thông cải thiện đáng kể đi cùng với một loạt những chính sách mới được mở ra một loạt các cơ hội kinh doanh hấp dẫn, Việt Nam được cho là tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng. Tuy nhiên, vẫn quay về bài toán quen thuộc làm thế nào để thu hút được dòng vốn từ Trung Quốc mà đảm bảo được yếu tố môi trường, chuyển giao công nghệ, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.