Sự quyết đoán, trí tuệ và khiêm nhường là những từ người ta miêu tả về Susan Wojcicki - Giám đốc điều hành của YouTube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới trực thuộc “gã khổng lồ” Google.
Susan Wojcicki từng được tạp chí Time vinh danh là người phụ nữ quyền lực nhất mạng internet.
Sự thành công được “tạo hình” trong môi trường “khuôn khổ”
Có thể nói Susan Wojcicki khá may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong một “cái nôi” tri thức mẫu mực tại thung lũng Silicon, bang California. Cha bà là Stanley Wojcicki – giáo sư vật lý người Mỹ gốc Ba Lan tại Đại học danh tiếng Stanford còn mẹ lại là một nhà giáo dục học người Nga gốc Do Thái. Được thừa hưởng gen di truyền tuyệt vời từ cha mẹ, ba chị em nhà Wojcicki đều trở thành những người thành đạt và có tầm ảnh hưởng.
Bà còn có hai người em là Janet Wojcicki – tiến sĩ, nhà nhân chủng học nghiên cứu bệnh dịch và người em út Anne Wojcicki là CEO của công ty xét nghiệm di truyền 23andMe cũng đồng thời là vợ cũ của nhà đồng sáng lập Google huyền thoại Sergey Brin. Được hưởng những nền giáo dục tiên tiến nhất, Susan Wojcicki càng có thêm cơ hội để phát triển bản thân và trở thành người phụ nữ ưu tú và quyền lực sau này.
Thế nhưng đằng sau một người phụ nữ quyền lực như Susan Wojcicki lại là một người phụ nữ quyền lực khác mang tên người mẹ yêu quý của bà – Esther Wojcicki. Nữ CEO thành đạt này từng cho rằng suốt thời niên thiếu, bà bị ảnh hưởng và tác động khá nhiều dưới sự giáo dục của mẹ. Từ nhỏ bà cũng các chị em của bà đã luôn được mẹ trao quyền tự do “trong khuôn khổ” để có thể phát huy được sự tự lực, tự chủ và sáng tạo. Người mẹ Do Thái của Susan cũng từng dạy dỗ các con dựa trên triết lý về báo chí – một trong những phương pháp dạy con người cách suy nghĩ, sàng lọc để có thể có được những thông tin bổ ích và quan trọng nhất. Có lẽ cũng chính nhờ vậy mà Susan Wojcicki đã có thể trở thành người lãnh đạo của một nền tảng sáng tạo nội dung lớn nhất thế giới hiện nay.
Đối với bà chủ Youtube mà nói công nghệ không phải là niềm yêu thích hay là con đường ban đầu mà bà từng theo đuổi. Susan Wojcicki từng tốt nghiệp loại ưu đại học Harvard chuyên ngành Lịch sử và Văn chương, sau đó tiếp tục lấy thêm hai bằng thạc sĩ Kinh tế và Quản trị kinh doanh tại đại học California lần lượt vào các năm 1993 và 1998. Có thể nói, cuộc đời bà không hề có mối liên hệ với những thứ về công nghệ, kỹ thuật hay mạng Internet. Thế nhưng bà bén duyên với công nghệ như một đam mê khá muộn màng nhưng vô cùng đúng đắn. Sự nghiệp của Susan Wojcicki phát triển khá nhanh chóng và thuận lợi một phần nhờ vào môi trường nơi bà sinh sống là thung lũng Silicon – thánh địa của công nghệ trên thế giới.
"Nữ thần" của Google
Susan Wojcicki gia nhập Google từ năm 1999 với vai trò đầu tiên là giám đốc marketing, chịu trách nhiệm về các chiến dịch tiếp thị của Google từ "giai đoạn trứng nước". Bà cũng chính là người đã cho Larry Page và Sergey Brin, khi đó vẫn còn là những sinh viên khởi nghiệp thuê lại hầm để xe làm văn phòng phát triển công cụ tìm kiếm.
Trong những ngày đầu tiên thành lập, ngân sách marketing ở con số không, Susan đã tự thân đến từng trường đại học đề xuất tích hợp thanh tìm kiếm Google vào website của họ. Không quá khi nói, Google có lẽ sẽ không tồn tại nếu không có sự trợ giúp của Wojcicki. Bà là người đã châm ngòi cho sự lan truyền của Google trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến toàn cầu.
Với tài trí của mình, năm 2002, Susan bắt đầu đẩy mạnh các sản phẩm quảng cáo, phát triển Google Analysis và khiến Google Adsense được coi là nguồn thu lớn thứ 2 của công ty. Đến năm 2006, chỉ sau vài năm Susan đã có công lớn trong thương vụ mua lại Youtube với giá 1.65 tỷ USD và DoubleClick trị giá 3.2 tỷ USD. Đây cũng là hai thương vụ kinh doanh lớn nhất trong lịch sử của Google kể từ khi thành lập phát triển.
Trong suốt 12 năm dẫn dắt, Susan Wojcicki đã tiên phong và có thành công đáng kinh ngạc, định hướng tầm nhìn đưa Google, cùng với Youtube trở thành những công cụ "hái ra tiền" .
Là người đứng đầu tất cả các sản phẩm quảng cáo của Google, Susan đã giúp doanh thu quảng cáo của "gã khổng lồ tìm kiếm" tăng lên đáng kinh ngạc mỗi năm. Chỉ tính riêng năm 2013, doanh thu của Google tăng thêm 43 tỷ USD, kéo cổ phiếu công ty tăng gần 50% so với năm trước. Dưới sự dẫn dắt của nữ CEO, trang video Youtube đến nay được định giá lên tới 90 tỷ USD và trở thành nền tảng video phổ biến nhất thế giới với hàng tỷ người dùng. Susan Wojcicki cũng đang thắt chặt các chính sách về bản quyền và video mang nội dung công kích, cực đoan, bạo lực.
Bước tiến... Youtube
"Tôi cũng đã có rất nhiều những thất bại", Wojcicki thẳng thắng thừa nhận thách thức đầu tiên chính là khi Google đưa ra nhiệm vụ phát triển về video. "Lúc đó, chúng tôi đang cạnh tranh khốc liệt với Youtube. Chúng tôi nhận ra rằng dù có rất nhiều ý tưởng hay, làm rất nhiều điều tốt nhưng Youtube vẫn chiến thắng". Do đó, Wojcicki đã liều lĩnh thực hiện bước tiến lớn là thu mua Youtube với giá 1.65 tỷ USD, đưa ra định hướng phát triển cho Youtube trong tương lai thay vì phải tìm cách cạnh tranh với đối thủ trong lúc nước sôi lửa bỏng.
Chỉ sau 1 ngày chuẩn bị, Wojcicki đã phát triển và trình bày kế hoạch thâu tóm Youtube trước ban điều hành của Google. Kết quả, YouTube đã thuộc về Google. Đó chính là sự quyết đoán, khôn ngoan và mưu lược của nữ CEO đầu tiên trong lịch sử Google. Nếu không đánh bại được thì phải thâu tóm!
"Bạn sẽ nhận ra rằng đến một thời điểm nào đó cần phải thay đổi chiến lược hoặc là công ty của bạn sẽ không hoạt động, đổi lại bạn cũng sẽ nhận được nhiều ý kiến phản đối từ ban lãnh đạo vì sự mạo hiểm. Nhưng quan trọng là phải nắm bắt thời cơ và chấp nhận rủi ro, càng sớm thực hiện chiến lược thì khả năng đi đúng hướng càng cao".
"Khi họ nghi ngờ và phản đối kế hoạch của mình, tôi nhận ra rằng khi ở vị thế càng cao trong một tổ chức nào đó thì càng phải tích cực lắng nghe phản hồi. Đó có thể không chỉ là ý kiến đóng góp mà cả những sự chỉ trích", CEO Susan Wojcicki nói.
Dưới sự dẫn dắt, chèo lái của nữ CEO tài ba này, Youtube đã trở thành mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất hành tinh với định giá lên đến 90 tỷ USD. Theo thống kê của Statista – kênh cung cấp thông tin về các mạng xã hội phổ biến hàng đầu thế giới thì khoảng đầu năm 2020 “dân số” của Youtube đã lên đến 2 tỷ người, chỉ đứng sau ông lớn “Facebook” với 2.7 tỷ người sử dụng.
Có thể bạn quan tâm
Lộ diện tỷ phú soán ngôi giàu nhất Nhật Bản của ông chủ Uniqlo
02:02, 15/09/2021
Tỷ phú Warren Buffett: Thà chắc chắn về kết quả tốt còn hơn là mơ mộng về kết quả tuyệt vời
03:23, 14/09/2021
Những bước nhảy của "Nữ hoàng rác'" Zhang Yin
03:55, 13/09/2021
Giấc mơ Vua Cua
03:26, 12/09/2021
"Bầu Kiên" sa cơ vì.... vàng
03:00, 11/09/2021