Chính trị - Xã hội

Người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng trong chi tiêu

HẰNG THY 11/08/2024 02:16

Có đến 68% người tiêu dùng kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua. Điều này cho thấy sự nhạy cảm về giá của người tiêu dùng đang ngày càng tăng.

Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung - Chuyên gia từ NielsenIQ cho biết tại sự kiện “Giải mã tương lai ngành bán lẻ Việt Nam: Vượt qua ranh giới & Nắm bắt xu hướng mới” do Bizzi Vietnam tổ chức mới đây.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu và so sánh giá cả kỹ lưỡng trước khi quyết định mua hàng.

nguoitieudng.jpg
Sự nhạy cảm về giá của người tiêu dùng đang ngày càng tăng. Ảnh minh họa: ITN

Điều này được thể hiện qua báo cáo của Tổng Cục Thống kê về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024. Theo đó, CPI tháng 7 tăng 0,48% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 7 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,36%. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2024 tăng so với tháng trước.

Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 7/2024 so với tháng trước, thống kê cho thấy có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; riêng nhóm bưu chính, viễn thông ổn định giá.

10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,77% chủ yếu do giá bảo hiểm y tế tăng 28,45% khi mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ chăm sóc người già tăng 2,5% so với tháng trước; sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,47%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,24%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng 0,3%.

Nhóm giao thông tăng 1,45%, làm cho CPI chung 0,14 điểm phần trăm. Nhóm này tăng chủ yếu do: Giá dầu diezen tăng 4,07%; giá xăng trong nước tăng 3,55% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 20,44%; đường sắt tăng 4,4%; vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,04%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,01% do nhu cầu đi lại trong dịp hè tăng…

Tiếp đến là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,5%. Chủ yếu do các nguyên nhân: Giá điện sinh hoạt tăng 1,39%; nước sinh hoạt tăng 0,22%. Giá dầu hỏa tăng 4,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,2%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08%. Riêng giá gas giảm 0,01% so với tháng trước do một số cửa hàng giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 tăng 0,26%, đẩy CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm…

Cũng theo số liệu thống kê, lạm phát cơ bản tháng 7/2024 tăng 0,36% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn khảo sát về thị trường bán lẻ tại Việt Nam, bà Ngọc Dung, Trưởng nhóm SMB Việt Nam của Nielsen IQ cho biết, trong thời gian gần đây mọi người đều dễ dàng nhận thấy hầu hết mọi thực phẩm tăng giá, với con số lên đến 82%, tức cứ 10 thực phẩm thì có đến 8,2 thực phẩm tăng giá.

“Giá cả hàng hóa tăng nên người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chịu khó tiết kiệm và tăng cường tiết kiệm. Khảo sát cho thấy, 68% người tiêu dùng kiểm tra giá cả hầu hết các sản phẩm trước khi mua, thậm chí so sánh 2 – 3 loại sản phẩm cùng lúc rồi mới quyết định mua. Chính vì quan tâm đến giá hàng hóa nên chỉ cần giá hàng hóa nhích lên là người tiêu dùng nhận ra liền, đồng thời sẽ so sánh kỹ” - bà Dung nói.

Bà Dũng cũng cho biết, có đến 69% người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch bằng cách lập danh sách rõ ràng, thay vì mua sắm theo kiểu ngẫu hứng. Bởi vì mua sắm ngẫu hứng dễ mất kiểm soát trong chi tiêu.

Mặc dù, đa số người tiêu dùng vẫn cảm thấy an toàn về mặt tài chính, tuy nhiên vẫn có những lo ngại về tình hình kinh tế không ổn định và mất việc làm. Trong khi nhiều quốc gia ở châu Á – TBD lo ngại nhất về giá thực phẩm thì mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam là kinh tế, họ rất cẩn trọng khi xem xét vấn đề tác động của nền kinh tế và có xu hướng thắt chặt chi tiêu và tăng cường tiết kiệm. Người tiêu dùng Việt Nam cũng đang có xu hướng cắt giảm các chi tiêu không thiết yếu.

Chia sẻ từ góc nhìn người tiêu dùng, đại diện Nielsen IQ cho rằng, người tiêu dùng hiện nay ngày càng cẩn trọng hơn trong vấn đề chi tiêu và ngày càng quan tâm đến các chi tiết của sản phẩm và giá của sản phẩm.

Người tiêu dùng sẵn sàng tìm kiếm các kênh bán hàng với giá ưu đãi, tìm kiếm các deal tốt để đối phó với tình trạng giá sản phẩm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng rất chú trọng đến yếu tố chất lượng của sản phẩm, đúng tiêu chí “mua đúng giá trị của sản phẩmˮ. Vì vậy các nhãn hàng cần chứng minh giá trị của các sản phẩm đối với người tiêu dùng và thuyết phục họ rằng sản phẩm đó đáng để người tiêu dùng chọn mua.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op) thông tin, hiện giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống siêu thị vẫn ổn định, không biến động đáng kể so với trước thời điểm ngày 1/7.

Ông Thắng cũng cho biết, Saigon Co.op nỗ lực giữ giá cả bình ổn bằng các hình thức như chủ động giảm lợi nhuận để tăng các chương trình khuyến mãi tại 800 điểm bán; đa dạng hóa các chương trình kích cầu tại điểm bán: không chỉ khuyến mãi mà còn là hình thức mua sản phẩm tặng sản phẩm; tổ chức các phiên chợ đồng giá, tham gia các chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người tiêu dùng ngày càng cẩn trọng trong chi tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO