Hơn 200 tấn rau, củ, quả và thực phẩm ... được Đại đức Thích Pháp Tịnh, Trú xứ tại chùa Pháp Huyền cùng với Phật tử trao tặng cho bà con vùng dịch từ ngày 16/6 đến nay với mỗi ngày 200 phần quà.
Từ rau, củ, quả đến gạo, nước tương, đường, bột ngọt hàng ngày đều được Đại đức cùng với Phật tử không quản ngại nắng mưa trong bộ đồ bảo hộ đi đến tiếp sức cho bà con vùng dịch đang trong cơn khốn khó. Do phải giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, đời sống của người lao động nghèo ở TP Hồ Chí Minh sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Những món quà tuy nhỏ về giá trị vật chất nhưng chứa đựng giá trị tinh thần lớn lao, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Việc chia sẻ khó khăn với người dân của Đại đức và các nhà hảo tâm còn thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Người trong một nước thì thương nhau cùng” góp phần lan tỏa tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật.
Hơn 200 tấn rau củ quả và hàng nghìn phần quà đã được trao tặng cho bà con vùng dịch từ ngày 16/6 đến nay với mỗi ngày 200 phần quà. Trải lòng về những câu chuyện khi đi làm từ thiện của mình, cùng với các mạnh thường quân, các Phật tử, Đại đức Thích Pháp Tịnh chỉ mong rằng: “Những hình ảnhcủa Tăng Ni, Giáo hội Phật giáo Việt Nam bất kỳ lúc nào cũng luôn sẵn sàng đồng hành cùng tuyến đầu và những người dân gặp khó khăn trong đại dịch”.
Khi đại dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại đã khiến cho cuộc sống của những người dân vùng dịch thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh. Thấu hiểu được những khó khăn mà người dân đang gồng mình gắng chịu, trong suốt 80 ngày qua, Đai đức Thích Pháp Tịnh – Trú xứ tại chùa Pháp Huyền (Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) đã cùng với Phật tử và các mạnh thường quân ngày đêm đồng hành cùng người dân vùng dịch với tổng kinh phí trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Thật cảm kích và xúc động trước với tình yêu thương, nghĩa đồng bào của người dân đất Việt “Người trong một nước thì thương nhau cùng”. Những nghĩa cử cao đẹp đó là minh chứng sinh động “Đạo Pháp luôn đồng hành cùng Dân tộc”.
Có thể nói, trong khó khăn, đã xuất hiện nhiều hành động thiết thực và ý nghĩa, khiến mọi người càng thêm thấm thía cái đẹp của tình người, tình đời. Những câu chuyện thật cảm động và hào sảng khi được sẻ chia đang lan tỏa đã nhắc chúng ta biết trân trọng những gì đang có và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Những mất mát, đau thương và sự khó khăn của bà con vùng dịch trong thời điểm này là không thể đong đếm được. Nhưng trong hoàn cảnh gian khó, bên cạnh sự chăm lo, trợ giúp kịp thời của Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền còn có sự đồng lòng, sẻ chia của Tăng Ni và Phật tử cả nước phần nào đã giúp người dân vùng dịch thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục cuộc sống. Thật cảm động khi chứng kiến hình ảnh những chuyến xe chở hàng cứu trợ được Đại đức Thích Pháp Tịnh hối hả phân bổ để đến với bà con đang gặp khó khăn trong các khu phong toả tại TP. Hồ Chí Minh liên tục trong suốt gần ba tháng qua với tình cảm chia ngọt, sẻ bùi.
Có bao nhiêu Đại đức sẵn sàng cho hết, cho người dân thật sự cần. Hạnh lành của Thầy dần được lan toả, trên bước đường hành thiện cùng với Thầy có thêm những vị Phật tử, mạnh thường quân đã cùng đồng hành. Thầy thường xuyên giúp đỡ, động viên nhiều gia đình nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền “vượt lên chính mình” góp thêm niềm tin vươn lên cho những hoàn cảnh khó khăn. Rồi từ xây dựng nhà tình thương đến tu sửa những đoạn đường, chiếc cầu, đều được Đại đức cùng các Phật tử, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ. Ngoài ra, Đại đức duy trì gian hàng quần áo 0 đồng vào mỗi thứ 7 hàng tuần; mỗi tháng 2 lần (vào ngày 14-30 AL) Thầy nấu 300 suất ăn miễn phí cho bà con đến chùa lễ Phật… Các ngày lễ lớn như ngày Vía Quan âm, Phật đản, Vu Lan….có hàng trăm người về lễ Phật. Đạo tràng Phật tử chùa Pháp Huyền hiện có gần 500 thành viên, số Phật tử quy y ở chùa là hơn 5.000 người…
Ai cũng cần có một tấm lòng, Đại đức Thích Pháp Tịnh tâm niệm như thế và đối với Thầy việc làm từ thiện là phải xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng của mình. Trong suốt thời gian qua, Đại đức luôn cố gắng để thực hiện tâm nguyện là giúp cho những mảnh đời không may mắn được sẻ chia, động viên vơi bớt phần nào cơ cực. Đồng cảm với suy nghĩ và việc làm của Thầy, đã có nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện đều đặn đến nhờ Đại đức làm cầu nối để tặng quà cho hộ nghèo. Họ tin tưởng Thầy không hề có chút riêng tư, bởi những món quà của họ gửi gắm đã được Thầy trao cho những người thực sự khó khăn.
Mỗi đầu ngày, sau khi chất đầy quà lên xe, Thầy theo tin nhắn và điện thoại trực tiếp lái xe đến từng nơi để trao tặng quà cho bà con. Có những trường hợp cách xa Thầy 20km, dù chỉ trao có 1-2 phần quà nhưng Thầy vẫn đến tận nơi để trao cho những người đang rất cần. Nhiều trường hợp khi được tặng quà, đã xúc động không nói nên lời, chỉ biết khóc và xá (vái). Hay như lần Thầy ghé thăm khu xóm trọ, thấy căn nhà lụp xụm, nghĩ đó là nhà kho, nhưng linh tính mách bảo, Thầy đã tiến thẳng vào trong thì phát hiện bà cụ đang nằm trên gường cạnh bếp nhỏ. Nhìn thấy hình ảnh này Thầy thực sự xúc động mạnh bởi sự đơn sơ, tạm bợ này lại chính là nơi ở của bà cụ bán vé số năm nay đã 65 tuổi. Tận mắt chứng kiến những khó khăn vất vả ấy, sau khi trao tặng quà cho cụ, Thầy muốn gửi thêm cho cụ 1 phần nữa phòng khi dịch bệnh còn kéo dài. Cụ bà cảm ơn và nhất quyết không nhận thêm quà mà muốn Thầy tặng lại cho người khác cũng đang gặp khó khăn giống mình. Cụ sợ rằng, nếu nhận thì ngay lúc này thêm một người sẽ không có cái ăn trong khi mình còn dư.
Có thể nói, mỗi một chuyến đi trao tặng quà là thêm một sự trải nghiệm quý báu, và khi được hỏi, điều gì khiến Thầy có năng lượng và động lực hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong đại dịch? Thầy chỉ cười và nói: “Đó là giá trị của sự cho đi và nhận lại chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Niềm vui của người nhận chính là điều hạnh phúc nhất mà Thầy đã nhận được, bởi vì hạnh phúc ấy là vô giá...”.
Phật pháp đã giúp Đại đức Thích Pháp Tịnh tìm ra được một chân lý sống thiết thực, tìm thấy sự an lạc, sự giải thoát bản thân để giúp ích cho đời, cho xã hội. Đại đức sinh ra trong gia đình có 4 đời là Phật tử thuần thành. Từ khi 5 tuổi, Thầy đã theo ba mẹ vào chùa tụng kinh, đến năm 10 tuổi nhân duyên tròn đủ, Thầy phát nguyện xuất gia tu học. Trên hành trình hành đạo, Đại đức Thích Pháp Tịnh đã và đang làm bằng cả trái tim, tất cả vì tình yêu thương với cộng đồng mà theo Đại đức thì: “Cứu độ chúng sanh là trách nhiệm của mọi đệ tử Phật”. Và tính thiện cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể để giúp đời, giúp người, tạo ra sức lan tỏa những tấm lòng thiện nguyện, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Có thể bạn quan tâm
NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT: Những chuyến xe nghĩa tình chống dịch
14:06, 08/08/2021
NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT: Cảm phục hình ảnh chiến sĩ biên phòng bế cụ bà F0 xuống 4 tầng lầu để đi điều trị
08:00, 30/07/2021
NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT: Những chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch
11:45, 11/07/2021
NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT: Chuyến xe nghĩa tình đưa bệnh nhân về nhà giữa tâm dịch Hà Tĩnh
04:24, 10/06/2021