Sau khi nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Geely trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, chủ sở hữu Mercedes-Benz, chính phủ Đức đã cảnh báo thỏa thuận này không nên được sử dụng như "cửa ngõ" cho các lợi ích chính sách công nghiệp của Trung Quốc.
Geely đã mua 9,7% cổ phần của Daimler và cho biết sẽ hợp tác với công ty này về xe điện.
Cảnh báo từ Đức
Trước đó, Midea Group (Trung Quốc) đã mua Cty robot Kuka của Đức, và tỷ phú Hồng Kông Li Ka-shing mua Cty đo lường Ista. Cả hai thương vụ đều có giá 4,5 tỷ EUR (5,5 tỷ USD),...
Ông Hernan Cristern, Giám đốc M&A của JPMorgan cho rằng, vấn đề đặt ra là có hay không dòng chảy công nghệ từ Đức sang Trung Quốc. "Trung Quốc thắt chặt dòng đầu tư từ nước ngoài nhưng lại thâu tóm thế giới. Nếu không "có đi có lại', thế giới sẽ trả lời Trung Quốc bằng các rào cản", ông Cristern cho biết.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries cũng cảnh báo, Đức sẽ thận trọng với các thương vụ M&A với các tập đoàn Trung Quốc. Đức đã siết các quy định về tiếp quản công ty đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Rào cản của Việt Nam
Mặc dù thị trường ô tô Trung Quốc không còn là ưu thế so với trước, nhưng với việc góp mặt trong các tập đoàn hàng đầu thế giới qua các thương vụ M&A vừa qua, Trung Quốc đang thể hiện sự ảnh hưởng của mình một cách vô cùng khéo léo tại các quốc gia Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
"Khi tiến hành khảo sát các quốc gia của Đông Nam Á, có thể thấy rằng thị trường ô tô Việt Nam thời gian qua đã có khá nhiều ông lớn trên thế giới tranh giành. Tác động của làn sóng Uber, Grab đã dẫn đến việc nhu cầu mua ô tô trong nước tăng đột biến. Trong tương lai xa, các dòng xe của Trung Quốc sử dụng công nghệ Đức, Italia sẽ quay lại giành thị phần Việt Nam", ông Turloch Mooney, Giám đốc thị trường của IHS Markit nhận định.
Mặc dù vậy, Nghị định 116 với việc siết chặt các tiêu chuẩn với xe nhập khẩu đã tạo thành một rào cản với làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nước ngoài vào ngành công nghiệp ô tô trong nước. Các chuyên gia cũng kỳ vọng, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước có thể tận dụng cơ hội này để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất, lắp ráp nước ngoài trước khi có thêm bất kỳ một "con rồng" nào khác quay trở lại.