Thế giới đang kêu gọi phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi tình hình căng thẳng tại khu vực này tiếp tục gia tăng.
>>Hiểm họa khó lường từ chạy đua vũ khí hạt nhân
Theo CNN đưa tin, một video mới xuất hiện cho thấy các xe quân sự Nga bên trong phòng tuabin, cách lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khoảng 130 m. Trước đó, quân đội Nga khẳng định các thiết bị quân sự được triển khai tại nhà máy Zaporizhzhia chỉ nhằm phục vụ mục đích canh gác, đảm bảo an ninh.
"Nga không triển khai vũ khí hạng nặng trong nhà máy và khu vực lân cận, chỉ có các đơn vị an ninh đóng quân tại đó. Chúng tôi đang áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Nga và Ukraine gần đây liên tục cáo buộc lẫn nhau pháo kích nhà máy. Kiev cho rằng Nga cất giữ vũ khí hạng nặng bên trong khu nhà máy này do biết Ukraine không thể liều lĩnh tấn công nhà máy. Trong khi đó, Nga cáo buộc pháo binh Ukraine đang có kế hoạch bắn phá khu vực nhà máy Zaporizhzhia từ các trận địa ở thành phố Nikopol bên kia sông Dnieper.
Đáng lo ngại, công ty năng lượng nguyên tử Ukraine Energoatom cho biết "có thông tin lực lượng Nga lên kế hoạch đóng cửa lò phản ứng và chuyển chúng khỏi hệ thống năng lượng Ukraine". Energoatom cũng cảnh báo Nga hạn chế nhân viên của họ tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Thông báo của Energoatom là tuyên bố mới nhất trong loạt cáo buộc của mỗi bên về hành động an ninh và quân sự xung quanh nhà máy, khu phức hợp hạt nhân lớn nhất ở châu Âu. Việc thiếu khả năng tiếp cận độc lập với nhà máy khiến các chuyên gia không thể xác minh được điều gì đang xảy ra ở đó.
Giới quan sát lo ngại, với tần suất oanh kích nhà máy, một thảm họa hạt nhân như Chernobyl sẽ tái diễn. Tổng thống Ukraine cảnh báo: "Mọi sự cố phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia có thể ảnh hưởng đến các nước Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và cả những nước xa hơn. Tất cả phụ thuộc vào hướng gió và sức gió".
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Báo động nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ Zaporizhzhia
Cho đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho biết rất khó để đoán định được ý đồ của Nga với nhà máy Zaporizhzhya. Theo Wall Street Journal, những chuyên gia điện hạt nhân quốc tế và công nhân của nhà máy đều xác nhận rằng dường như có một nỗ lực có chủ ý của Nga nhằm cô lập nhà máy Zaporizhzhia khỏi lãnh thổ còn lại của Ukraine bằng cách cắt các đường dây điện tại đây.
Ông Olexi Pasyuk, một chuyên gia về năng lượng hạt nhân và là Phó giám đốc của Ecoaction, một tổ chức phi chính phủ của Ukraine, bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ người Nga hiểu rất rõ những gì họ làm tại Zaporizhzhia. Hiện tại, họ quan tâm đến việc duy trì hoạt động để cung cấp điện cho các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ làm gì khi rút lui”.
"Tình hình thực sự có thể trở nên nguy hiểm. Việc thiếu nguồn điện có thể dẫn đến mất khả năng làm mát và làm nóng máy", ông Rod Ewing, Giáo sư an ninh hạt nhân tại Đại học Stanford cảnh báo. Ông cho biết thêm, các chuyên gia của IAEA cần xem xét 4 lỗ hổng cần được xem xét tại nhà máy Zaporizhzhia bao gồm lò phản ứng, các bể chứa nhiên liệu đã sử dụng, các thiết bị hỗ trợ như máy phát điện dự phòng và nhân viên vận hành.
Reuter đưa tin, các nhân viên kỹ thuật tại Ukraine vẫn tiếp tục làm việc tại nhà máy và thường xuyên phải đối mặt với nỗi lo sợ để đảm bảo không có thảm họa kiểu Chernobyl. Điều này cũng làm gia tăng lo ngại, các nhân viên của nhà máy đã làm việc căng thẳng trong hơn năm tháng, trong khi lỗi của con người là một yếu tố quan trọng trong các vụ tai nạn hạt nhân.
“Người ta không thể mong đợi rằng các nhân viên vận hành làm việc trong môi trường căng thẳng sẽ có thể đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn của các lò phản ứng”, chuyên gia Ewing nói và cho rằng Nga có thể lợi dụng điều này để đổ lỗi cho Ukraine.
Có thể bạn quan tâm
Hiểm họa khó lường từ chạy đua vũ khí hạt nhân
04:30, 11/08/2022
Chiến sự Nga- Ukraine: Báo động nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ Zaporizhzhia
04:00, 09/08/2022
Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?
03:59, 08/07/2022
Chiến sự Nga - Ukraine và mối nguy vũ khí hạt nhân
05:10, 14/06/2022