Việc các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao từ 10 – 20% khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về một nguy cơ đổ vỡ liên hoàn.
Đầu tháng 9/2020, Tập đoàn Apec - đơn vị đang phát triển hàng loạt dự án bất động sản hợp tác với Tập đoàn Windham (Hoa Kỳ) đã gây sốc khi đưa ra gói trái phiếu lãi suất 18%/năm. Trước đó, TNR Holdings cũng đưa ra lãi suất 10,9%/năm, Sunshine Group huy động 11%/năm; Tập đoàn Novaland đưa ra mức 10,6%/năm...
Hiện cuộc chơi trái phiếu nguội dần. Trong tháng 10/2020, chỉ có một thương vụ phát hành trái phiếu mới từ nhóm địa ốc thuộc về Công ty Cổ phần IDJ Việt Nam với tổng trái phiếu có trị giá vỏn vẹn 20 tỷ đồng. Số liệu tổng hợp trên HNX cho thấy trong tháng 10, tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ chỉ bằng 1/4 so với tháng trước đó.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được ví như thị trường mở với "3 không": không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Cũng chính vì vậy, doanh nghiệp tận dụng công cụ này để huy động vốn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ lặp lại việc nhiều chủ đầu tư không đủ khả năng chi trả mức lãi suất đã cam kết tương tự condotel. Nếu như năm 2015-2017, thị trường sôi động đến mức nhiều nhà đầu tư liên tục đổ tiền vào condotel và coi như một kênh đầu tư đầy hấp dẫn khi chủ đầu tư cam kết mức lợi nhuận khủng, lên tới 12%-24%. Hiện tại, nhiều chủ đầu tư đã "xù" lợi nhuận cam kết với khách hàng, điều này dễ tạo ra ấn tượng xấu thậm chí là nguy cơ sự sụp đổ của thị trường này.
Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, ngay cả khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP theo hướng siết chặt việc phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào đầu tư trái phiếu, mức độ rủi ro dường như cũng chỉ giảm đi một phần, nhất là khi nhà đầu tư cá nhân hiện nay tiếp nhận thông tin đánh giá mang tính một chiều từ phía công ty chứng khoán hay các ngân hàng thương mại.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, có nhiều cái tên khá lạ lẫm phát hành hàng trăm tỷ đồng trái phiếu. Chẳng hạn như trường hợp Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân (Công ty Vĩnh Xuân) có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP.HCM hồi cuối tháng 7/2020 đã phát hành thành công lô trái phiếu giá trị 300 tỷ đồng, với kỳ hạn 36 tháng. Với kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định của lô trái phiếu là 10%/năm trong năm đầu tiên.
“Tại Việt Nam cần có những công ty chấm điểm tín dụng để góp phần đảm bảo phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu. Khi vẫn thiếu các đơn vị này thì nhà đầu tư phải dựa vào sự phán đoán của mình; trong khi đó, không phải nhà đầu tư nào cũng có óc phán đoán chính xác vì thiếu kiến thức về tài chính. Thị trường không có chuẩn mực phát triển, nguy cơ vỡ trận là điều hoàn toàn xảy ra” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nguy và Cơ từ trái phiếu doanh nghiệp địa ốc
11:30, 10/03/2020
Sẽ siết chặt các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp
11:30, 23/11/2020
Trái phiếu doanh nghiệp: Khó định danh nhà đầu tư chuyên nghiệp
15:00, 06/11/2020
Trái phiếu doanh nghiệp: Rủi ro trái chủ tăng cao
11:30, 05/11/2020
Bất động sản, ngân hàng gọi tên những tổ chức phát hành trái phiếu lớn nào?
05:00, 28/10/2020