Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần đầu tháng 5 và để ngỏ khả năng hạ lãi suất thời gian tới. Tính độc lập của chính sách tiền tệ của Fed đang chịu áp lực lớn.
Từ đầu năm 2025, kinh tế thế giới liên tục đối mặt với nhiều áp lực, bao gồm chính sách thuế quan của Mỹ, xung đột địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, còn tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển tiếp tục ở mức thấp.
Trước nguy cơ suy thoái và áp lực lạm phát đã dần hạ nhiệt, các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đồng loạt chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ. Có thể điểm qua chuyển động nới lỏng tiền tệ của một số Ngân hàng Trung ương như sau:
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện 3 lần giảm lãi suất liên tiếp, đưa lãi suất tiền gửi về 2,50% vào tháng 3/2025 và dự kiến tiếp tục giảm thêm trong mùa hè này.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã hạ lãi suất 4 lần kể từ tháng 8/2024, xuống mức 4,25% vào tháng 5/2025 và dự báo có thể tiếp tục về 3,25% trong quý 2/2025. Ngân hàng Trung ương Canada dự kiến cắt giảm tổng cộng 125 điểm cơ bản trong năm 2025 xuống còn 2%, với 50 điểm cơ bản đã được thực hiện kể từ đầu năm.
Ngược lại với xu hướng toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất chính sách ở mức 4,25%–4,50% suốt từ đầu năm 2025 đến nay, bất chấp các tín hiệu hạ nhiệt của lạm phát trong nước. Trong tháng 3/2025, PCE của Mỹ chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 4 năm, trong khi lạm phát lõi ở mức 2,8%.
Việc Fed duy trì lãi suất cao đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ Tổng thống Donald Trump, người cho rằng chính sách này khiến chi phí vay vốn trong nước neo ở mức cao, làm giảm khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, xây dựng. Lãi suất thế chấp 15 năm và 30 năm tại Mỹ hiện lần lượt ở mức 5,89% và 6,76%, cao hơn đáng kể so với mức bình quân 5 năm qua là 3,25% và 4,00%, chuyên viên của Chứng khoán Rồng Việt thống kê.
Điều này không chỉ khiến chi phí mua nhà tăng mạnh mà còn nâng chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp, làm trầm trọng thêm khó khăn cho hoạt động đầu tư và tạo việc làm mới, theo chuyên viên phân tích. Tuy nhiên, lập trường thận trọng của Fed phản ánh lo ngại về nguy cơ lạm phát quay trở lại nếu nới lỏng quá sớm, đặc biệt khi giá hàng hóa vẫn chịu tác động bởi các hàng rào thuế quan mới.
Bên cạnh các áp lực về tăng trưởng, chi phí lãi vay của Chính phủ Mỹ cũng là yếu tố tạo sức ép lớn lên chính sách tiền tệ. Ước tính trong quý I/2025, chi phí lãi vay liên bang đạt 1.110,9 tỷ USD, chiếm tới 16% tổng chi tiêu của Chính phủ liên bang. Việc duy trì lãi suất cao kéo theo gánh nặng tài khóa ngày càng lớn, thu hẹp dư địa cho các chương trình hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội. Do đó, việc Fed hạ lãi suất cũng được kỳ vọng là giải pháp hỗ trợ gián tiếp cho ngân sách, một luận điểm được Tổng thống Trump nhấn mạnh trong các phát biểu gần đây.
Lịch sử kinh tế Mỹ từng chứng kiến giai đoạn Fed chịu áp lực chính trị mạnh mẽ, dẫn đến các quyết định nới lỏng quá mức và gây ra hệ quả nghiêm trọng về lạm phát như thập niên 1970. Đơn cử, dưới sức ép của Tổng thống Nixon, Chủ tịch Fed Arthur Burns đã giảm lãi suất trước bầu cử 1972, kết quả là lạm phát bùng nổ và kéo dài suốt một thập kỷ, buộc Fed sau đó phải áp dụng chính sách thắt chặt khắc nghiệt để khôi phục ổn định giá cả. Hiện nay, Tổng thống Trump nhiều lần công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không thực hiện đúng kỳ vọng của Nhà Trắng, thậm chí từng đề cập khả năng bãi nhiệm. Theo VDSC, dù Tổng thống không có quyền trực tiếp bãi nhiệm Chủ tịch Fed, áp lực chính trị này vẫn tiềm ẩn nguy cơ xói mòn tính độc lập của chính sách tiền tệ, tạo ra rủi ro biến động khó lường cho thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu.
Mới đây, hãng đánh giá tín nhiệm Moody's đã hạ bậc tín nhiệm cũng khiến nhiều chuyên gia cho rằng áp lực lên Fed trong duy trì chính sách tiền tệ theo định hướng của mình cũng sẽ càng căng thêm.
Theo đó, Fed tiếp tục có những động thái phản ứng khá đáng kể cũng như ra tín hiệu về khả năng hạ lãi suất chỉ 1 lần trong năm 2025 trong thời gian tới. Tín hiệu này khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm và kỳ hạn 10 năm giảm điểm.
Trước đó, Fed được cho đã có những động thái linh hoạt nhất định mặc dù không được xem là thực thi nới lỏng định lượng như: Fed đã tham gia đấu thầu trực tiếp trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, với hơn 14,8 tỷ USD vào ngày 6/5/2025.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Giám đốc Khối Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), động thái này cho thấy, mặc dù Fed không thể nhanh chóng hạ lãi suất điều hành nhưng cũng có những giải pháp linh hoạt khác để kiềm chế lãi suất dài hạn tăng quá mức, vốn đẩy chi phí vay mượn của Chính phủ và doanh nghiệp lên cao, kìm hãm tăng trưởng.
"Việc bơm tiền trực tiếp trên thị trường sơ cấp khiến thị trường kỳ vọng Fed sẽ sớm chấm dứt chương trình thu hẹp tiền tệ (QT). Nếu hành động này diễn ra ổn định trong thời gian 2 - 3 tháng tới sẽ góp phần ổn định mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, Fed được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm nay, giúp giảm áp lực lên tỷ giá cũng như kinh tế thế giới", bà Linh nhận định.
Trên thực tế, nhiều tổ chức vẫn giữ nguyên dự báo Fed có thể hạ lãi suất từ 2-3 lần trong năm nay. Vào đầu tháng 5, theo Mirae Asset, mặc dù khó dự báo các hành động kế tiếp của Tổng thống Trump, bao gồm các quan điểm đối với chính sách tiền tệ của Fed, song Fed có khả năng sẽ sớm hạ lãi suất kỳ vọng chung ghi nhận khoảng 4 lần hạ lãi suất trong năm 2025, tương ứng giảm từ 4,25% - 4,5% về 3,25 - 3,5%... Nhìn chung các chuyên gia giữ nguyên dự báo dù Fed có thể cắt giảm lãi suất nhiều lần hoặc ít hơn, kỳ vọng áp lực tỷ giá VND/USD vẫn sẽ giảm dần về cuối năm.