Dù ưu đãi có thừa, song cơ chế hợp tác như thế nào giữa các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ hơn vẫn là điều được các doanh nghiệp quan tâm, đảm bảo lợi ích cho tất cả các nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Chu Tuấn Anh - Giám Đốc Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech, một trong những chuyên gia về hoạt động đổi mới sáng tạo đã cho biết như vậy khi chia sẻ về sức hấp dẫn đầu tư của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Trước câu hỏi, với những ưu đãi đầu tư được đưa ra từ NIC có đủ hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia? Ông Chu Tuấn Anh cho biết: "Mặc dù, ưu đãi có tốt đến mấy nhưng nếu cơ chế hợp tác, đầu tư giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa rõ ràng, thì cũng khó thu hút đầu tư".
Ông Chu Tuấn Anh phân tích: Trung tâm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, trước những ưu đãi từ NIC, doanh nghiệp thấy ưu đãi thuế, đất đai tốt, doanh nghiệp đầu tư 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại có một nhà đầu tư khác, họ đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Khi đó, sẽ nảy sinh ra vấn đề, doanh nghiệp muốn đầu tư vào ý tưởng đổi mới sáng tạo mang tên là A, nhưng doanh nghiệp có số vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng lại muốn đầu tư sáng tạo mang tên B. Kết quả là trung tâm đổi mới sáng tạo chỉ tập trung làm ý tưởng đổi mới sáng tạo mang tên B. Như vậy, sản phẩm sáng tạo làm ra chỉ phục vụ cho doanh nghiệp có tỷ lệ đầu tư lớn nhất cho "cuộc chơi này". Còn những nhà đầu tư khác chỉ là “tát nước theo mưa”, đầu tư sẽ không có hiệu quả.
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng "dù ưu đãi có tốt nhưng khi đã hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, vẫn phải tuân thủ theo quy định góp vốn để điều hành 51% và 49%. Như vậy, nếu doanh nghiệp có đầu tư lên tới 10 tỷ đồng thì chưa chắc doanh nghiệp đã được lợi".
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cũng từng nhận định rằng, việc thành lập và duy trì hoạt động của NIC cần đi vào thực chất. Từ trước tới nay, rất nhiều trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương ra đời nhưng thủ tục hành chính, phức tạp.
“Chúng ta có hàng chục trung tâm nhưng không làm gì cả, ngay cả thủ tục phá sản doanh nghiệp cũng rất phức tạp. Chúng ta chỉ xây dựng 5 - 10 trung tâm hỗ trợ nhưng đồng hành cùng doanh nghiệp, thủ tục hành chính đơn giản sẽ mang lại hiệu quả cao hơn” - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay tại Hàn Quốc mỗi năm thu về 30 tỷ USD từ các trung tâm đổi mới sáng tạo, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động chất lượng cao, kết nối với hàng nghìn công ty với trung tâm. Theo các chuyên gia, Việt Nam cũng có thể làm được điều này, tuy nhiên cần có chính sách cụ thể mang tính động lực. Cần có những đòn bẩy đủ hấp dẫn để thu hút người tài về Việt Nam, thu hút các đối tác chiến lược, không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực sản xuất, mà phải làm sao để họ đưa các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về Việt Nam.
Ưu đãi có thừa
Theo dự thảo mới công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề án thành lập NIC, thì NIC sẽ được xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), bên cạnh Đại học FPT và khu Trung tâm của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Quy mô của NIC dự kiến 23 ha. Mặt bằng xây dựng: 80.000m2 sàn.
Vốn đầu tư là 1.900 tỷ đồng (khoảng 82 triệu USD), trong đó 1.700 tỷ đồng (khoảng 74 triệu USD) là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 200 tỷ đồng là vốn lưu động và cần khoảng 5 - 6 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn vận hành ổn định. Thực hiện trong 3 năm kể từ ngày khởi công 2019 và có thể bắt đầu hoạt động từ năm thứ 2. Vốn đầu tư xây dựng huy động từ đóng góp của doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư; không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách.
TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: "Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó các Trung tâm đổi mới sáng tạo có vai trò đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến cho các nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, hiện đại để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình".
Điều này xuất phát từ hiện thực, các Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có nhiều hạn chế, chưa tạo ra tác động đáng kể về công nghệ. Điều này được thể hiện ở những con số như, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam giảm 0,5 điểm, xếp thứ 82/138 trong năm 2018.
Vì vậy, đòi hỏi Việt Nam cần có các Trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến để nhanh chóng đưa đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ 4.0. Để mô hình này được thành công cần có nhiều chính sách khác biệt và mới cho hoạt động của Trung tâm này.
Theo đó, CIEM đề xuất thành lập NIC dưới dạng doanh nghiệp xã hội, 100% vốn tư nhân và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dự thảo đề xuất Trung tâm được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế cao nhất dành cho doanh nghiệp. Được giao đất không thu tiền sử dụng đất trong tối đa 50 năm, được miễn toàn bộ chi phí liên quan đến đất, bao gồm cả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng; được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; được các cơ quan Nhà nước ưu tiên đặt hàng cung cấp dịch vụ đào tạo, chuyển giao công nghệ, giới thiệu công nghệ. Cán bộ quản lý, chuyên gia làm việc tại Trung tâm được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp…
Như vậy, dù ưu đãi có thừa, song cơ chế hợp tác như thế nào giữa các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ hơn vẫn là điều được các doanh nghiệp quan tâm, đảm bảo lợi ích cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào NIC.
Nhìn rộng ra, rõ ràng, không chỉ riêng hoạt động đầu tư vào các trung tâm đổi mới sáng tạo mà ngay cả những hoạt động đầu tư nói chung nhà đầu tư cũng muốn có được cơ chế hợp tác rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đôi bên cùng có lơợi.