Truyền thông quốc tế hôm nay đưa tin, tập đoàn SK của Hàn Quốc kế hợp với một số nhà đầu tư khác sẽ rót 1 tỷ USD vào tập đoàn Vingroup trong tháng tới.
Thương vụ có thể được thực hiện thông qua SK South East Asia, quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp dẫn đầu tại Đông Nam Á được thành lập tháng 8 năm ngoái.
Năm công ty thành viên của SK là SK Holdings Co., SK Hynix Inc., SK Innovation Co., SK Telecom Co., và SK E&S Co đã đóng góp 500 triệu USD vào quỹ này khi thành lập và mới đây tiếp tục rót thêm 500 triệu USD nữa.
Cuối năm ngoái, quỹ SK Investment Vina I đã chi gần 11 nghìn tỷ đồng (khoảng 470 triệu USD) để đầu tư vào 9,5% cổ phần của Masan Consumer, công ty hàng tiêu dùng của tập đoàn Masan.
Trên thực tế, SK South East Asia bao gồm các quỹ khác nhau, có thể mỗi pháp nhân được lập để phục vụ riêng cho một khoản đầu tư. Vì vậy, thương vụ trị giá 1 tỷ USD với Vingroup có thể bao gồm nhiều nhà đầu tư khác nhau.
Trước đó, tập đoàn Vingroup công bố kế hoạch phát hành thêm 7% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài để huy động tối thiểu 25.000 tỷ đồng trong năm 2019. Theo tập đoàn 60% số vốn dự kiến huy động được sẽ sử dụng vào hoạt động kinh doanh và 40% sẽ dùng để thanh toán các khoản vay và lãi vay đến hạn.
Động thái này được các nhà đầu tư đánh giá là phản ứng nhanh và chính xác của Vingroup nhằm đối mặt với nhu cầu vốn đầu tư và đảo nợ cao, trong khi tận dụng được lợi thế về giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có thể tăng cao hơn.
Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất có thể khiến chi phí lãi trái phiếu mà Tập đoàn phải trả cao hơn trong các năm tới do phần lớn các trái phiếu đều có cấu trúc lãi bao gồm phần cố định và phần thả nổi. Tuy vậy việc phát hành thêm cổ phiếu khiến các cổ đông hiện tại của Vingroup đối mặt với rủi ro pha loãng.
Năm ngoái, sau khi huy động 470 triệu USD từ quỹ đầu tư của SK Group, tập đoàn Masan đã giảm mạnh quy mô các khoản vay bằng hình thức trái phiếu. Cụ thể, giá trị các trái phiếu của tập đoàn này đã giảm từ 26.700 tỷ đồng xuống còn khoảng 15.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2018. Trước đó, Masan là một trong những doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu lớn nhất trên thị trường tài chính.
Trong thương vụ này, kể từ năm thứ 5 trở đi, nhà đầu tư có quyền yêu cầu bên bán mua lai toàn bộ số cổ phần nếu hai bên có bất đồng về định hướng phát triển của Masan Consumer hoặc việc hợp tác giữa hai bên không tại giá giá trị. Điều kiện là nhà đầu tư không bán bất kỳ cổ phiếu nào trong số gần 110 triệu cổ phiếu đã mua, hoặc hai bên có một thỏa thuận khác.