Dù CTCP Đầu tư Đèo Cả đã thống nhất với CTCP Phước Tượng Phú Gia BOT về việc thu gộp và chia sẻ nguồn thu tại trạm thu phí Bắc Hải Vân từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa phúc đáp đề nghị của nhà đầu tư.
Đó là thông tin đáng chú ý trong công văn mới nhất của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả gửi Thủ tướng Chính phủ xung quanh quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng phân bổ cho toàn bộ dự án hầm Đèo Cả.
Theo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, những bất cập hiện nay là việc trạm thu phí Nam Hải Vân hoàn vốn cho hạng mục sửa chữa hầm Hải Vân chưa thực hiện được (đã chậm gần 01 năm so với thời gian thu giá đã được phê duyệt trong phương án tài chính tại Quyết định số 3107/QĐ-BGTVT ngày 05/10/2016 của Bộ GTVT) do vướng mắc với vị trí trạm thu giá hoàn vốn cho dự án BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia đang đặt tại trạm thu giá Bắc Hải Vân. Đến nay, theo Thông báo số 413/TB-BGTVT ngày 01/11/2017 của Bộ GTVT, các nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT và Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã thống nhất chia sẻ doanh thu và trình phê duyệt phương án thu gộp tại Trạm thu giá Bắc hầm Hải Vân để điều chỉnh phương án tài chính của hai dự án. Tuy nhiên, việc bù đắp này không có khả năng đảm bảo khả thi cho phương án tài chính tổng thể của Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Trước đây chi phí quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 do ngân sách Nhà nước chi trả, nhưng đến nay không được thu phí hoàn vốn do Trạm thu giá hoàn vốn của dự án BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia đang đặt tại cửa Bắc hầm Hải Vân, dẫn đến nguy cơ đối mặt với việc phải dừng vận hành hầm Hải Vân 1 do không có kinh phí chi trả, đồng thời cũng đang ảnh hưởng khiến cho phương án tín dụng của Dự án, đặc biệt là kế hoạch trả nợ cho hạng mục hầm Đèo Cả và hầm Hải Vân - Giai đoạn 1 bị ảnh hưởng.
Mặt khác, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cho rằng việc Bộ GTVT cho phép sử dụng trạm thu giá Bắc Hải Vân để thu giá hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia (sự bất hợp lý của vị trí trạm thu giá do đặt trạm ngoài phạm vi dự án), lặp lại các sai sót tương tự như Trạm thu giá dự án BOT Cai Lậy - Tiền Giang.
Theo Chủ đầu tư dự án hầm Hải Vân, Bộ GTVT đang có kế hoạch báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng trạm thu giá Bắc Hải Vân để thu gộp cho hai dự án, việc này chỉ tạm thời đảm bảo nguồn thu ổn định cho dự án Phước Tượng - Phú Gia và vấn đề tranh chấp với người dân, nhưng phương án tài chính tổng thể thu giá hoàn vốn cho Dự án Đèo Cả chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, việc hoàn vốn cho Hạng mục Hầm Hải Vân đã thất thoát nguồn thu hơn 1 năm qua. Nếu Chính phủ đồng thuận với ý kiến của Bộ GTVT sẽ dẫn đến việc tranh chấp quyền thu giá của 02 dự án và phải có phương án xử lý bù đắp nguồn thu thâm hụt cho Dự án Đèo Cả tại Hải Vân.
Để giải quyết vấn đề trên, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã làm việc và thống nhất với Công ty cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT về việc thu gộp và chia sẻ nguồn thu tại trạm thu giá Bắc Hải Vân. Trong đó thống nhất tỷ lệ chia sẻ doanh thu tại trạm thu giá Bắc Hải Vân và sẽ triển khai việc thu gộp và chia sẻ doanh thu từ 01/01/2018. Tuy nhiên, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa phúc đáp đề nghị của Nhà đầu tư.
Được biết, dự án xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả gồm: hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông và hầm Hải Vân được thực hiện theo hình thức BOT, trong đó hạng mục hầm Hải Vân đã hoàn thành giai đoạn 1 (sửa chữa, nâng cấp thiết bị, vận hành tại hầm Hải Vân 1) với tổng kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (thi công mở rộng hầm Hải Vân) là 8.516 tỷ đồng và đưa vào sử dụng toàn bộ dự án vào trước tháng 12/2020.
Theo hợp đồng, dự án hầm Hải Vân 1 sẽ lấy từ nguồn thu của trạm thu phía Nam Hải Vân nhưng hiện nay chưa được thu do vướng mắc trạm thu giá dự án BOT hầm Phước Tượng - Phú Gia). Quá trình thực hiện Chủ đầu tư đang tạm sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay để chi trả cho hoạt động và vận hành của hầm Hải Vân 1 để đảm bảo giao thông được thông suốt.