Để có thể đưa thị trường về trạng thái bình thường, thu hẹp khoảng chênh lệch với giá vàng thế giới, theo chuyên gia, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần giải quyết được hai vấn đề mấu chốt…
>> Sửa Nghị định 24/2012: Cần xem xét lại cách thức quản lý
Theo đó, trước hàng loạt những biến động của thị trường, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày một cao, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2023, giá vàng miếng đã trải qua không ít biến động. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63 - 64 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC có lúc vọt lên mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng/lượng. Đáng nói có những thời điểm giá vàng miếng đã liên tục nhảy múa, tạo sự chênh lệch so với thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua - giá bán vàng miếng SJC cũng bị đẩy lên trên 3 triệu đồng/lượng.
Trước thực tế đã nêu, để có thể đưa thị trường về trạng thái bình thường, thu hẹp khoảng chênh lệch với giá vàng thế giới, theo chuyên gia, việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần giải quyết được hai vấn đề, một là độc quyền vàng miếng SJC, thứ hai là vấn đề nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), giải quyết được hai vấn đề mấu chốt này, giá vàng miếng SJC sẽ giảm nhiều, thu hẹp khoảng chênh lệch với giá vàng thế giới ít nhất 10 triệu đồng mỗi lượng. Tuy nhiên, việc sửa đổi cần lộ trình và sẽ phải chờ nhiều thời gian nữa để giá vàng trong nước đi sát giá vàng thế giới.
“Một vấn đề nữa là nguồn cung vàng miếng. Giả dụ thị trường có nhu cầu vài chục nghìn lượng mà cung chỉ có vài nghìn lượng thì giá không thể xuống được. Sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP cần thiết nhưng nếu không giải quyết được hai vấn đề nổi cộm trên thì khó có thể xóa được sự cách biệt quá lớn giữa giá vàng miếng SJC và giá thế giới”, Phó Chủ tịch VGTA bày tỏ.
>> Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng
Còn theo chuyên gia kinh tế - Phạm Xuân Hòe, Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời trong bối cảnh thị trường vàng khá lộn xộn, phức tạp, cần sắp xếp, quản lý lại. Nhưng cần làm rõ, trên thế giới, không có một ngân hàng trung ương nào quản lý thị trường vàng cả.
Ngân hàng Trung ương chỉ quản lý vàng ngoại hối – nghĩa là vàng dưới dạng ngoại hối, tức là vàng dự trữ của quốc gia, vàng xuất nhập khẩu qua biên giới dưới dạng tiền tệ do những tác động đến chính sách tiền tệ, tỷ giá. Còn vàng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất ra vàng hàng hóa thì là hàng hóa và được cấp phép để xuất – nhập khẩu, không cần sự quản lý của Ngân hàng Trung ương.
“Khi Nghị định 24/NĐ-CP ra đời, tôi đã từng đề nghị sau khi bình ổn thị trường vàng, tốt nhất là là trả lại thị trường vàng là thị trường hàng hóa, thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương và không cần duy trì độc quyền Nhà nước trong thị trường vàng. Độc quyền dễ dẫn đến thổi giá và lợi ích chỉ dành cho một nhóm độc quyền, không tốt cho sự vận hành của thị trường. Mặt khác, tình trạng này càng tạo thêm tâm lý tích trữ vàng trong dân vì thấy giá vàng cứ giữ ở đỉnh cao, để hưởng chênh lệch tại trường Việt Nam”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, khi đã xác định vàng là một cái loại hàng hóa, mặc dù đó là hàng hóa đặc biệt thì tốt nhất là đảm bảo các điều kiện để trở thành một thị trường có sự liên thông với thị trường thế giới. Nói cách khác là Việt Nam cần phải có những sàn vàng. Có thể là trước mắt, do là hoạt động còn mới, nên có thể thực hiện thí điểm một cho đến hai sàn vàng, để trên cơ sở đó xây dựng khung khổ pháp lý, hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn cho các thành viên tham gia. Ví dụ, các quy định về ký quỹ, điều kiện tham gia cho các nhà đầu tư và các quy định về giao dịch.
Khi giải quyết được câu chuyện không còn độc quyền vàng và có sự liên thông với thị trường quốc tế thông qua các sàn giao dịch là các điều kiện để đưa thị trường vàng Việt Nam quay về trạng thái bình thường, tình trạng nhập lậu vàng qua biên giới và chảy máu ngoại tệ sẽ được hạn chế rất lớn. Thực trạng vàng nhập lậu thời gian qua cho thấy rõ điều này.
“Vì vậy, quan điểm của tôi là phải sửa triệt để Nghị định 24/2012/NĐ-CP, để đưa thị trường vàng vận hành bình thường. Vai trò lịch sử của Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã kết thúc”, chuyên gia Phạm Xuân Hòe bày tỏ.
Xoay quanh việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, việc sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường.
Được biết, từ cuối năm 2023 đến nay, Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải đánh giá và xem xét lại thị trường vàng. Và tại Chỉ thị số 06/CT-TTg mới đây về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, song song với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới ngay trong quý I/2024.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Nghị định 24/2012: Cần xem xét lại cách thức quản lý
11:20, 28/01/2024
Sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng: Chuyên gia nói gì?
03:30, 04/01/2024
Sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP để “cởi trói” cho thị trường vàng
04:00, 28/12/2023
Vàng “lậu” hoành hành, cần sớm sửa đổi Nghị định 24/2012
03:00, 08/10/2022