Phân tích - Bình luận

Hai vấn đề nghiêm trọng của kinh tế thế giới

Trương Khắc Trà 19/10/2024 04:02

Vay nợ ồ ạt và tăng trưởng kinh tế chậm là hai vấn đề nghiêm trọng được IMF chỉ ra. Đâu là lối thoát cho vấn đề này?

sodc77mw6wsxcf3tnojmuwrxru.jpg
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva (Ảnh: Irish Times)

Nợ tăng nhanh và tăng trưởng chậm là hai vấn đề vĩ mô rất nghiêm trọng hiện nay tại nhiều nền kinh tế. Đó là một nghịch lý, bởi xét về phương diện đầu tư, nguồn vốn đổ vào các dự án tăng rất mạnh so với thập kỷ trước, nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng.

Ví dụ, đầu tư vào năng lượng tái tạo gấp 3 lần so với năm 2015; trí tuệ nhân tạo bùng nổ với hàng loạt dự án khổng lồ lên đến vài nghìn tỷ đô la Mỹ. Vậy thực chất vấn đề là gì?

Một số giả thiết nghiên cứu ban đầu cho rằng, các ngành công nghiệp mới bị thổi phồng quá mức về tính hiệu quả của nó. Chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo được nói đến như là “chiếc đũa thần” cho mọi nền kinh tế, nhưng mức độ đóng góp vào GDP hiện nay - xét trên bình diện toàn cầu - chưa đáng kể.

Tiếp đến, ngành công nghiệp mới như xe điện, năng lượng xanh, được ấn định là xu thế tất yếu, tuy nhiên thế giới vẫn sử dụng khá nhiều xe đốt trong và năng lượng hóa thạch.

Một động lực ngầm hối thúc các quốc gia đang phát triển tăng cường đổ tiền vào hạ tầng cứng và hạ tầng truyền thống nhằm đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khiến nhiều nước chấp nhận đi vay.

Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói rằng, mặc dù đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, nhưng các chính phủ đã trở nên quá quen với việc vay nợ, tăng trưởng yếu, làm tăng thêm những thách thức trong việc trả nợ.

Một số ngân hàng trung ương lớn đã làm tốt công việc điều tiết nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, nhưng thành tựu này không phải là phổ biến và số đông nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn với giá cả cao hơn.

Tổng giám đốc IMF nói: “Những nền kinh tế lớn đã hoạt động rất tốt, và vẫn còn những nơi trên thế giới mà lạm phát vẫn là một vấn đề nan giải. Tác động của giá cả cao vẫn còn, khiến nhiều người ở nhiều quốc gia cảm thấy tồi tệ và tức giận”.

IMF cảnh báo, thương mại quốc tế sẽ không còn là động lực tăng trưởng như trước đây, đồng thời nhấn mạnh sự gia tăng các chính sách hạn chế trong nhiều nền kinh tế khi căng thẳng địa chính trị bao trùm.

shutterstockallstarsglobeonbluebackground2197866611024x600.jpg
Kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn (Ảnh: IMF)

Những gì chúng ta đang thấy ở Mỹ và châu Âu, Trung Quốc, cũng như ở những nơi khác, là minh chứng cho thấy toàn cầu hóa không còn hiệu quả với họ.

Do vậy, các nước lớn xem thuế quan là biện pháp ưa thích, gây tổn hại đến sự phát triển quốc tế. Chi phí gia tăng chóng mặt, cuối cùng ai phải chịu? IMF cho rằng các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở quốc gia áp dụng thuế phải chịu.

Trước mắt là cuộc xung đột ở Trung Đông hoàn toàn có khả năng gây bất ổn cho các nền kinh tế khu vực và thị trường năng lượng toàn cầu. Đó là bài toán trung và dài hạn mà thế giới phải có biện pháp giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hai vấn đề nghiêm trọng của kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO