Phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần qua khép lại với chỉ số VN-Index tăng 1.090 điểm, cao nhất trong 5 tháng đầu năm với đà tăng kéo chỉ số từ cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu vua có thực sự trở lại?
Còn dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II/2023
Đà tăng của cổ phiếu ngân hàng đã kéo chỉ số lập đỉnh với thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể, giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt gần 16.900 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với phiên trước và là mức cao nhất trong 5 tháng đầu năm. Đây cũng là lần đầu tiên khối lượng khớp lệnh trên HoSE vượt 1 tỷ đơn vị cổ phiếu / phiên kể từ đầu năm.
Có thể nói, đà tăng của thị trường được dẫn dắt bởi sự bùng nổ bất ngờ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Toàn bộ cổ phiếu “vua” trên sàn chứng khoán đều tăng điểm. Điển hình nhóm cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 tăng rất mạnh.
Thống kê trong top 10 cổ phiếu có tác động lên đà tăng của VN-Index phiên cuối tuần, có tới 8 “cổ phiếu vua”, trong đó 5 mã lớn nhất cũng đều là “bank”: TCB (+1,67), VCB (+1,19), MBB (+1,02), BID (+1,01), CTG (+0,84), VPB(+0,45%)... Đây cũng là nhóm ngành hút tiền mạnh nhất gần 5.000 tỷ đồng được giao dịch, chiếm 1/4 toàn sàn chứng khoán. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn HNX và UPCoM cũng tăng gần hết biên độ như cổ phiếu NVB, KLB, BVB, ABB, VAB, VBB...
Sự trở lại của cổ phiếu "vua", dẫn dắt chỉ số tăng mạnh thực sự đã hé mở ra hy vọng cho giới đầu tư: Nếu dòng tiền tăng vào các cổ phiếu ngân hàng, thì trong những phiên tới, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục quán tính tăng điểm và tiến lên ngưỡng 1.100 điểm.
Vậy vì sao dòng tiền đã thực sự chảy vào cổ phiếu "vua" sau hơn 01 năm mất hút?
Theo nhiều chuyên gia, thời gian gần đây, NHNN đã tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay và huy động, đây chính là nguyên nhân khiến dòng tiền đổ vào cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23 tháng 5 năm 2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD). Tiếp đó là Quyết định số 951/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm…
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KBSV - cho rằng, lượng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao đáo hạn trong thời gian tới rất có thể sẽ chảy vào kênh chứng khoán. Cuối năm ngoái, lạm phát kỳ vọng lên mức rất cao dù lạm phát thực chỉ có 5%. Do đó, mức lãi suất huy động lên đến 8-9% mới đủ hấp dẫn với dòng tiền. Ở thời điểm hiện tại, lạm phát kỳ vọng đã xuống mức thấp và lạm phát thực công bố chỉ khoảng 2,4%... Do đó, khả năng dòng tiền đáo hạn chảy vào thị trường chứng khoán, song không nên kỳ vọng quá nhiều. Bởi kênh huy động vẫn có sự hấp dẫn nhất định trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt nhanh...
Đánh giá về cổ phiếu ngân hàng, báo cáo mới đây của VNDirect cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ tăng 2,1% so với đầu năm (thấp hơn đáng kể so với mức 5-6% các quý cùng kỳ trước). Các ngân hàng thương mại (NHTM) có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp (KHDN) lớn đã đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành như TCB, HDB, VPB, TPB, VIB. Bên cạnh đó, khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp theo đó làm giảm nhu cầu vay và các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này. Ngược lại với khách hàng doanh nghiệp, cụ thể là bất động sản (BĐS) với vấn đề thanh khoản trước đó đang rất cần thêm dòng tiền để đảo nợ, tài trợ hoạt động kinh doanh (tín dụng kinh doanh BĐS tăng 6,5% so với đầu năm).
Hiện NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết giảm 18 điểm cơ bản trong Quý 1/2023 do các ngân hàng đã phải hi sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng. Hơn nữa, NIM của 1 số NHTM như TCB, TPB, VPB, MBB… giảm đáng kể do trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và cho vay tiêu dùng (2 lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường) đang khó khăn. VNDirect cho rằng xu hướng tăng cho vay khách hàng cá nhân và huy động từ khách hàng cá nhân sẽ duy trì tới khi lãi suất hạ nhiệt rõ rệt và nền kinh tế có sự phục hồi.
Theo đánh giá, nhóm ngân hàng tập trung cho vay bán lẻ và có nguồn huy động đa như VIB, HDB, MBB… sẽ hạn chế được rủi ro NIM thu hẹp. Tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng có tăng hay không, phụ thuộc vào chất lượng tài sản vẫn là yếu tố đáng quan tâm nhất. Các ngân hàng với bộ đệm dự phòng tốt sẽ hạn chế được rủi ro. VNDirect cho rằng, kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng như TCB, MBB, VPB, … được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành (và một số các dự án BĐS được tháo gỡ pháp lý. Do vậy, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm