Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo kết quả đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần của SCIC tại Nhựa Bình Minh niêm yết trên sàn HOSE mã (BMP) được coi là rất nóng trên sàn. Vậy cổ phần của doanh nghiệp lớn này sẽ thuộc về nhà đầu tư nội hay ngoại?
Theo số liệu từ SCIC, tính đến hết thời hạn đăng ký tham gia là 16h ngày 8/3, SCIC đã nhận được 2 hồ sơ đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh cổ phần BMP gồm 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và 1 cá nhân trong nước. Tổng số lượng cổ phần đăng ký mua là 24.179.906 đơn vị, ứng với 100,1% tổng số lượng cổ phần chào bán.
Thời gian nộp phiếu tham dự chào bán từ 9h đến 14h ngày 9/3 và buổi đấu giá được tổ chức vào 14h30 tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).Như vậy, số lượng cổ phần chào bán là 24.159.906 đơn vị, với mức giá khởi điểm 96.500 đồng/cp SCIC dự thu tối thiểu 2.331 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 2/3, HOSE thông báo đã nhận được đơn đăng ký chào mua công khai của The Nawaplastic Industries (Saraburi) - một công ty thành viên của Tập đoàn SCG của Thái Lan đối với cổ phần BMP được SCIC chào bán cạnh tranh. Saraburi đăng ký mua toàn bộ 24,1 triệu cp, tương đương 29,51% vốn của BMP được đem ra chào bán.
Hiện nay, Saraburi đang sở hữu 20,4% vốn của BMP, tương đương gần 16,6 triệu cp. Nếu thực hiện chào mua thành công, Saraburi sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ tại Nhựa Bình Minh lên 49,91% vốn, tương đương 40,7 triệu cp.
Như vậy, Saraburi gần như không có đối thủ đáng gờm trong cuộc chiến mua cổ phần BMP trong đợt chào bán này. Khối lượng đăng ký mua của nhà đầu tư còn lại chỉ 20.000 cổ phiếu.
Trong ngành nhựa, Saraburi Co Ltd, một công ty con thuộc Tập đoàn Xi măng Siam (SCG), cũng được dự đoán sẽ “thâu tóm” Nhựa Bình Minh sau khi doanh nghiệp này quyết định nới trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% . Mới đây, Saburi đã thoái vốn tại Nhựa Tiền Phong.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư Thái sẽ tiếp tục quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam vì họ nhận định, Việt Nam đang đi theo con đường phát triển của Thái Lan có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng “chịu chi”.
Nhà đầu tư Thái yêu thích ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống vì thị trường tiêu dùng nội địa Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi và chi phí sản xuất thấp, rất thích hợp để phát triển ngành sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả khu vực ASEAN...
Tuy nhiên, sự tấn công dồn dập này, nhất là việc sở hữu 100% room tại nhựa Bình Minh đã gây ra nhiều lo ngại về việc các tập đoàn Thái Lan sẽ “thâu tóm” thị trường Việt Nam và chèn ép thương hiệu nội. Tuy nhiên, theo ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế các nhà đầu tư Thái sẽ phải đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam và việc cạnh tranh giữa các nhãn hàng Thái và Việt sẽ giúp doanh nghiệp hai nước phát triển, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng trong nước thay vì mục tiêu “thâu tóm” như nhiều người lo ngại”, ông Doanh khẳng định.