NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (Kỳ III): Kẽ hở do luật "vênh" nhau

KTS PHẠM THANH TÙNG - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam 01/08/2020 14:00

Di dời nhà máy khỏi nội đô là tất yếu nhưng cần bình tĩnh xem xét các khía cạnh để đảm bảo lợi ích đa bên.

TP Hà Nội hiện có tới 7 khu công nghiệp lớn phải di dời bởi đã quá lạc hậu và gây ô nhiễm.p/Hiện trường vụ cháy kho hàng Công ty Rạng Đông. Ảnh: VIẾT LONG

TP Hà Nội hiện có tới 7 khu công nghiệp lớn phải di dời bởi đã quá lạc hậu và gây ô nhiễm. Hiện trường vụ cháy kho hàng Công ty Rạng Đông. Ảnh: VIẾT LONG

Có thể nói, chủ trương đã có, lộ trình cũng được xác định từ lâu, nhưng bài toán làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp thì vẫn bỏ ngỏ.

Thiếu sự đồng nhất trong thể chế

Một trong những nguyên nhân đó là sự không đồng nhất trong thể chế. Cụ thể, Luật Thủ đô 2012 quy định, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp được ưu tiên để xây dựng phát triển các công trình công cộng. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều chung cư cao tầng được xây dựng trên phần đất này.

Bởi lẽ theo Luật Đất đai 2013, khi giao đất cho doanh nghiệp tại các cơ sở công nghiệp với thời hạn 30 năm, 50 năm hoặc 70 năm thì họ có quyền quản lý khu đất đó và không có trách nhiệm trả lại cho thành phố. Vì vậy, cần có văn bản dưới luật để khẳng định sau di dời, doanh nghiệp cần giao lại đất. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến không ít nhà máy đã di dời nhưng doanh nghiệp vẫn cố thủ giữ đất cho thuê, thậm chí tìm đối tác thỏa thuận để thực hiện các dự án bất động sản.

TP Hà Nội hiện có tới 7 khu công nghiệp lớn phải di dời ở các địa bàn Thượng Đình, Minh Khai, Giáp Bát, Văn Điển. Những khu công nghiệp này đang rất cần di dời bởi đã quá lạc hậu và gây ô nhiễm. Tuy nhiên, không thể chỉ nói di dời là doanh nghiệp có thể chuyển đi ngay được. Xen cài trong các khu công nghiệp cũ này là những nhà dân, vậy việc di dời này, người dân sẽ được giải quyết ra sao, chủ doanh nghiệp có trách nhiệm đến đâu trong công cuộc này vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Một điểm nữa, đó là nguồn ngân sách kinh phí cho các cơ sở di dời mới. Chúng ta không thể dựa vào nguồn lực tự điều hòa của các chủ đầu tư mà phải có sự hỗ trợ từ ngân sách nhưng hiện nay chưa có.

Quy hoạch cần “nhìn xa”

Thực tế, thiết kế từ trước đây các khu công nghiệp đều nằm ở ngoại vi thành phố. Đơn giản như khu Mỹ Đình, ngày xưa vốn nằm ngoại ô, thế nhưng bây giờ khi phát triển rồi các nhà máy đó nằm trong trung tâm, bỗng nhiên khu đất đó đều là đất vàng.

Khi di dời các doanh nghiệp sẽ cần bỏ ra một khoản kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng mới, còn khu đất nội đô sẽ được chuyển đổi giá trị vì không còn doanh nghiệp ở đó. Như vậy sẽ có nhiều bài toán đặt ra, cũng có ý kiến cho rằng biến nơi đó thành công viên, không gian công cộng phục vụ cộng đồng, thế nhưng cũng có những dự án họ làm chung cư, về kinh tế sẽ có nhiều lợi nhuận hơn bù đắp vào việc chuyển nhà máy đi.

Chúng ta cần xem xét, thứ nhất về mật độ dân số, thứ hai là kết nối giao thông, hạ tầng. Nếu ở khu vực đấy xây chung cư thì thu được lợi nhuận kinh tế, nhưng cần đáp ứng được chất tải dân số trên đô thị với kết nối hạ tầng có đảm bảo không. Chúng ta cần xem xét và nếu không đảm bảo được thì cần trả lại và có thể xây công viên, vườn hoa, thậm chí là nhà trẻ, trường học. Còn nếu không cân nhắc kỹ và cứ nghĩ khu đất đã di dời thì xây lên các chung cư, chất tải lên đó như một vài khu đất đã làm rồi sẽ làm đô thị hỗn loạn về giao thông, hỗn loạn về hạ tầng cơ sở và làm bất ổn.

Ngoài ra, việc di dời phải có cơ chế giám sát và sự phối hợp giữa chủ đầu tư với thành phố. Cụ thể, chủ đầu tư có trách nhiệm di dời và thành phố là đơn vị phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm địa điểm thích hợp, vừa để doanh nghiệp có thể nhanh chóng sản xuất trở lại và công nhân cũng có thể sớm ổn định tại nơi ở mới.

Đặc biệt, cần lấy ý kiến cộng đồng và chuyên gia như quy định trong Luật Xây dựng, đồng thời điều chỉnh lại quyết định từ năm 2013 để tạo cơ chế bắt buộc các cơ quan quản lý lấy ý kiến của chuyên gia, người dân khi điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo lợi ích tất cả các bên doanh nghiệp, thành phố và người dân.

Có thể bạn quan tâm

  • NHÀ MÁY

    NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (KỲ II): Khó di dời bởi “đất vàng”

    21:15, 31/07/2020

  • NHÀ MÁY

    NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (Kỳ I): Người dân "sống chung với lũ"

    08:00, 31/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (Kỳ III): Kẽ hở do luật "vênh" nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO