“Cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế!” - Đây là khẩu hiệu hành động của Đảng và Nhà nước ta cho giai đoạn phát triển hiện nay. Vấn đề đặt ra là cải cách thể chế theo mô hình nào?
Mô hình nhà nước điều chỉnh đưa lại thành công cho Anh, Mỹ…; Mô hình nhà nước phúc lợi đưa lại thành công cho Thủy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy; Mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đưa lại thành công cho Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Vậy mô hình nào sẽ đưa lại thành công cho Việt Nam?
Mô hình nhà nước tối ưu của Việt Nam?
Về mặt vị trí địa lý, Việt Nam thuộc về nhóm các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, chúng ta lại thuộc về các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc…). Một trong những đặc điểm nổi bật của các nước này là truyền thống khoa bảng. Học hành, thi cử để làm quan là con đường phấn đấu được coi trọng nhất. Đây cũng là nền tảng văn hóa để nhà nước có thể tuyển dụng được những người tài giỏi nhất cho nền quản trị công.
Trong sự phát triển thần kỳ của mình, Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này, ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... đều được xem là những nhà nước kiến tạo phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh Anh-Mỹ (theo chủ thuyết thị trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Nhà nước kiến tạo phát triển chủ động can thiệp mạnh mẽ vào thị trường để thúc đẩy phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra. Đây là mô hình nhà nước kết hợp được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung. Do có nền tảng văn hóa của Đông Bắc Á, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có thể là tối ưu đối với Việt Nam.
Thật ra, kể từ Đại hội VI của Đảng, Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước. Như vậy tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Sau 30 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế, cũng như thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã tăng đến hàng chục lần. Rất nhiều nước cộng hòa Xô viết (thuộc Liên xô trước đây) từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung đã không có được một sự phát triển ngoạn mục như vậy.
Có thể bạn quan tâm
11:12, 28/12/2018
17:00, 22/11/2018
15:10, 09/11/2018
12:00, 24/10/2018
15:13, 26/09/2018
10:34, 29/08/2018
16:37, 10/08/2018
10:57, 01/06/2018
04:33, 12/04/2018
22:49, 06/04/2018
Rủi ro không gian chính sách
Tuy nhiên, vấn đề là đất nước ta vẫn chưa trở thành “hổ”, thành “rồng” như các nước Đông Bắc Á. Nguyên nhân có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là chúng ta đã không thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua các công ty, các tập đoàn tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mà lại thông qua các doanh nghiệp nhà nước.
Công bằng mà nói, một khuôn khổ khái niệm sáng rõ và mạch lạc về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chưa thật sự hình thành ở nước ta. Trong khi, cải thiện mô trường kinh doanh, tạo khuôn khổ thể chế được coi là quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất ở đây là các điều kiện kinh doanh thuận lợi có thể được tạo ra, nhưng tận dụng chúng tốt nhất lại là các doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải là doanh nghiệp Việt.
Mặc dù, lựa chọn mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là tối ưu cho đất nước ta, tuy nhiên rủi ro của lựa chọn này là hoàn toàn không nhỏ. Trước hết, chúng ta có khả năng hoạch định chính sách phát triển công nghiệp đúng đắn hay không? Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam phải là gì? Đây quả thực là những câu hỏi không dễ trả lời.
Để thu hút người tài vào trong Đảng, trong đội ngũ lãnh đạo là rất quan trọng. Vấn đề này được coi là một trong những nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng ta trong thời gian sắp tới. Chủ trương cắt giảm bộ máy hiện nay là cơ hội để chúng ta loại bỏ bớt những công chức năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy hành chính. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn cho được những người tài giỏi nhất vào bộ máy hành chính. Truyền thống khoa bảng là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta tuyển chọn người tài ở đây. Vấn đề là phải kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước.
Tiếp đến, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới và tham gia rất nhiều các hiệp định về tự do thương mại song phương và đa phương, nên không gian chính sách còn lại của Nhà nước ta cho việc hoạch định và triển khai chương trình công nghiệp hóa một cách độc lập và tự chủ là rất nhỏ hẹp. Bị ràng buộc bởi vô vàn những cam kết quốc tế, Nhà nước rất khó can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mà chúng ta lựa chọn. Để vượt qua rủi ro này, quan trọng là phải nâng cao năng lực thiết kế các hàng rào kỹ thuật, các hàng rào về thủ tục. Điều này có vẻ như đang đi ngược với những cố gắng cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ hiện nay.
Tận dụng các khoảng trống chính sách cũng rất quan trọng ở đây. Đơn cử như, không hiệp định tự do thương mại nào có thể ngăn cản chúng ta đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Tại sao chúng ta không đầu tư vào đây, khi cần thiết thì có thể chuyển giao các thành tựu nghiên cứu cho các lĩnh vực dân sự?
Ngoài ra, quỹ thời gian để thúc đẩy thành công mô hình nhà nước kiến tạo phát triển còn lại không nhiều. Với áp lực của hội nhập và dân chủ hóa, truyền thông đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không có một nền tảng kinh tế-xã hội phù hợp (với đa số dân chúng là tầng lớp trung lưu) và một nền tảng văn hóa chính trị trưởng thành, những cải cách dân chủ không khéo lại dẫn đến bất ổn xã hội.