Nhà trưng bày Hoàng Sa là thiết chế văn hóa lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, minh chứng lịch sử về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Khó có thể hình dung một Đà Nẵng đang từng ngày phát triển mà không có một nơi để trưng bày và quảng bá rộng rãi những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ”, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch TP Đà Nẵng đã phát biểu như vậy tại buổi lễ khánh thành công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa sáng ngày 28/3.
Công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa được phê duyệt dự án tại quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 20/5/2015, khởi công vào ngày 7/12/2015 với tổng mức đầu tư 43,3 tỷ đồng. Công trình được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 1.296m2, chiều cao xây dựng 18,2m2 với 4 tầng, do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư, Công ty kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) thiết kế, Ban quản lý các dự án hạ tầng và phát triển đô thị điều hành dự án.
Trong suốt gần 3 năm qua, UBND huyện đảo Hoàng Sa cùng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát kỹ thuật… đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng thiết chế văn hóa và lịch sử quan trọng này, nhất là những khó khăn trong khâu thi công đối với một công trình kiến trúc đòi hỏi rất cao về kỹ thuật và mỹ thuật.
Nhà Trưng bày Hoàng Sa chính thức đi vào hoạt động - đóng vai trò là thiết chế văn hóa lịch sử mang ý nghĩa chính trị đặc biệt: là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị minh chứng lịch sử về quá trình khai phá, việc xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công trình hoàn thành với 5 chủ đề được giới thiệu, gồm: Vị trí địa lí và điều kiện tự nhiên của Quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ ở thời nhà Nguyễn (1802-1945); Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945-1974; Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay.
“Được tận mắt chứng kiến Nhà Trưng bày Hoàng Sa bấy lâu mong đợi sắp bước vào hoạt động phục vụ người dân Đà Nẵng và du khách thập phương ngay trong những ngày cuối tháng ba lịch sử này, chắc hẳn lòng chúng ta đang trào lên nhiều cảm xúc”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nói tại buổi lễ.
“Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nên Nhà Trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề - có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước”, ông Thơ nhấn mạnh. Và vì lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gần sáu chục năm qua, xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ biển Đông của Đà Nẵng là hợp tình hợp lý.
Được thiết kế có hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” hết sức ấn tượng, nhóm tác giả công trình Nhà Trưng bày với ý tưởng thiết kế độc đáo này đã thể hiện sinh động một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đồng thời “chứng tỏ Việt Nam đã có một quá trình xác lập và thực thi chủ quyền rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa, ít nhất là từ thời các chúa Nguyễn mà việc vua Minh Mạng đóng dấu trong văn bản thành lập hải đội Hoàng Sa là một trong những dấu mốc quan trọng của quá trình xác lập và thực thi chủ quyền không thể tranh cãi này”. Chính quyền Đà Nẵng hết sức ghi nhận thành tựu này tại buổi lễ.
Có mặt trong đoàn người đến tham dự buổi khánh thành, cụ Trương Văn Quảng – cựu binh đã từng 10 lần đến Hoàng Sa thực thi các nhiệm vụ theo từng giai đoạn, nhiều người bạn của ông cũng đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa, ông nói trong xúc động và niềm vui với đôi mắt đã nhuốm màu thời gian vẫn thấy rõ sự kiên nghị: “Tôi mong tất cả mọi người hãy đến đây để biết và hiểu rõ: Hoàng Sa và Trường Sa là của người Việt Nam ta”.
Sau lễ khánh thành, du khách có thể đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa để tận mắt chứng kiến những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với quần đảo này, nhưng quan trọng hơn là để luôn nhớ rằng cho đến tận hôm nay, ngoài biển khơi xa kia, chúng ta vẫn đương còn nguyên một huyện đảo bị ngoại bang chiếm đóng trái phép...
“Nhà Trưng bày Hoàng Sa sẽ làm cho tâm thức ấy càng sâu sắc hơn, khắc khoải hơn, củng cố thêm niềm tin sẽ có ngày huyện đảo thân yêu của chúng ta thoát được sự chiếm đóng của ngoại bang để trở về đoàn tụ trên thực tế với các quận huyện khác trong đất liền của thành phố Đà Nẵng”, ông Thơ nói.
Theo lãnh đạo Đà Nẵng, khánh thành Nhà Trưng bày Hoàng Sa sáng nay, “thực ra chúng ta cũng chỉ mới đi một nửa đoạn đường. Nửa đoạn đường còn lại là làm sao để Nhà Trưng bày này hoạt động với hiệu quả cao nhất, phát huy tối đa công suất phục vụ, xem đây là một khâu quan trọng trong toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật để đòi lại Hoàng Sa”.
Làm như thế nào để ngày nào Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng tấp nập người đến tìm hiểu cha ông ta và cả chúng ta ngày nay đã từng làm chủ Hoàng Sa như thế nào, từng quản lý Hoàng Sa ra sao… “Lãnh đạo thành phố sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các sở ngành cùng Nhà Trưng bày Hoàng Sa hoàn thành được nhiệm vụ chính trị cao quý này”, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Nhà trưng bày Hoàng Sa chính thức mở cửa đón tiếp người dân và du khách từ sáng ngày 28/3/2018.