Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đang ngày được mở rộng ở các thành phố lớn, hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử, thậm chí thâm nhập vào cả trường học với những ứng dụng mới.
>>Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cộng sinh với Alipay và WeChat Pay
Theo thông tin mới nhất, thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc sẽ trao phiếu mua hàng bằng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) trị giá 30 triệu Nhân dân tệ (4,5 triệu USD) thông qua gã khổng lồ dịch vụ Meituan. Đây là một trường hợp mới nhất đánh dấu sự hợp tác giữa tiền tệ kỹ thuật số của Trung Quốc với các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn của nước này.
Các công dân Trung Quốc sống ở thành phố này bắt đầu đăng ký đợt xổ số đầu tiên thông qua ứng dụng Meituan từ ngày 30/5 đến ngày 1/6, kết quả sẽ được công bố vào một ngày sau đó. Vòng xổ số thứ hai sẽ bắt đầu vào ngày 9/6 tới đây. Người thắng cuộc sẽ nhận được một “gói màu đỏ” trên ứng dụng - biểu tượng may mắn truyền thống của Trung Quốc, chứa 88, 100 hoặc 128 e-CNY. Số tiền này có thể được chi cho việc mua sắm, giao đồ ăn và cho thuê xe đạp thông qua ứng dụng Meituan, cũng như tại các cửa hàng ngoại tuyến đã chọn.
Đại diện Cục Thương mại thành phố Thâm Quyến, nơi đang tổ chức chiến dịch cho biết, họat động này nhằm mục đích thúc đẩy việc phục hồi tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa có hồi kết.
Trước đó, Thâm Quyến là một trong những thành phố đầu tiên trên cả nước triển khai thử nghiệm e-CNY. Kể từ năm 2019, thành phố đã trao hơn 80 triệu e-CNY trong bốn đợt. Đây cũng là một trong ba thành phố có Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương, cùng với Bắc Kinh và Tô Châu.
Việc Trung Quốc nhanh chóng mở rộng các thử nghiệm e-CNY đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Tuần trước, các Thượng nghị sĩ như Tom Cotton, Mike Braun và Marco Rubio đã đề xuất một dự luật cấm các nền tảng ứng dụng của Mỹ cho phép các giao dịch sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, để bác bỏ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động đến nền kinh tế Mỹ. Hồi tháng 7/2021, Robert Greene, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ đã từng xuất bản một bài viết cho rằng, thực chất tiềm năng của e-CNY là để tránh các lệnh trừng phạt tài chính của Hoa Kỳ.
>>Ví Nhân dân tệ kỹ thuật số đứng đầu bảng xếp hạng lượt tải xuống
Bất chấp mọi rào cản, Bắc Kinh vẫn không ngừng tham vọng trở thành nhà tiên phong trên thế giới về tiền kỹ thuật số. Hiện tại, các ứng dụng thanh toán bên thứ ba phổ biến của Trung Quốc nhừ Alipay đến WeChat Pay đều hỗ trợ e-CNY. Meituan và ứng dụng thương mại điện tử JD.com cũng chấp nhận thanh toán bằng Nhân dân tệ kỹ thuật số.
Đáng chú ý, đồng e-CNY đang mở rộng nhanh chóng đến tận trường học dưới dạng một thiết bị có kích thước bằng lòng bàn tay, cho phép cha mẹ có thể theo dõi vị trí và các khoản phí của con cái họ.
Theo đó, thẻ e-CNY mới này thực chất là một chiếc điện thoại di động nhỏ, đang được cung cấp cho học sinh tại trường trung học Hải Nam Luxun ở thành phố Tam Á. Thiết bị cho phép học sinh thanh toán tại các cửa hàng được chỉ định và thực hiện cuộc gọi bằng các số được chọn. Riêng tính năng theo dõi vị trí được kích hoạt thông qua GPS. Như vậy, các bậc cha mẹ có thể đặt giới hạn trên thiết bị bằng cách sử dụng ứng dụng e-CNY, ứng dụng này cho phép cha mẹ nạp tiền vào ví điện tử của con cái họ và truy cập hồ sơ tiêu dùng đó bằng một thẻ SIM đặc biệt. Cha mẹ cũng có thể chọn số điện thoại có thể liên lạc với thiết bị, được đồng phát triển bởi Ngân hàng Công thương Trung Quốc và các công ty viễn thông. Ngoài các số của ba thành viên đáng tin cậy trong gia đình, cha mẹ có thể thêm tối đa 20 số khác cho các cuộc gọi đến vào thiết bị để giúp trẻ tránh bị các cuộc gọi không xác định quấy rối.
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã đưa tin rằng, với việc cấm sử dụng điện thoại thông minh ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, dự án tại trường trung học Hải Nam Luxun, bao gồm các lớp từ 1 đến 12, sẽ đáp ứng nhu cầu giao tiếp của phụ huynh và học sinh, đồng thời giải quyết các vấn đề về tiêu dùng hàng ngày của học sinh và an toàn khi đi làm.
Như vậy, việc Trung Quốc nhanh chóng thúc đẩy phát triển tiền kỹ thuật số có chủ quyền, đã đưa quốc gia này trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này. Điều đó khiến nhiều ngân hàng trung ương khác cũng bắt đầu tìm hiểu và phát triển. Mỹ nằm trong số 40 quốc gia vẫn đang nghiên cứu CBDC. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã phát hành một báo cáo nghiên cứu về CBDC vào tháng 1. Tháng sau đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston đã công bố nghiên cứu hai kiến trúc khác nhau về mặt lý thuyết có thể hỗ trợ đồng đô la kỹ thuật số.
Hay Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã tiến bộ trong lĩnh vực này và cho biết họ đã chuyển sang giai đoạn hai của thử nghiệm CBDC vào tháng 4, tập trung cho sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, ngân hàng không làm rõ liệu họ có cung cấp đồng Yên kỹ thuật số cho công chúng hay không.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chỉ ra, vào cuối tháng 12/2021, đã có 261 triệu người dùng e-CNY, gần gấp đôi so với tháng 10. Đến nay, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã có sẵn để sử dụng ở khoảng 20 thành phố được chỉ định và sẽ được mở rộng sang nhiều thành phố hơn trong năm nay, bao gồm Trùng Khánh, Thiên Tân, Hàng Châu và Quảng Châu.
Trong khi đó, Hồng Kông cho biết cũng có kế hoạch sớm triển khai thí điểm sử dụng e-CNY trong thành phố và việc sử dụng xuyên biên giới giữa Trung Quốc với Hồng Kông sẽ được giới thiệu “khi thời điểm chín muồi”.
Có thể bạn quan tâm
Xung đột Nga - Ukraine: Chính phủ Ukraine tìm nguồn tài trợ qua tiền kỹ thuật số
11:00, 28/02/2022
Tiền kỹ thuật số quốc gia: Mơ giấc không xa...
05:00, 01/02/2022
Mỹ lấn sân sang lĩnh vực tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương
05:00, 23/01/2022
Năm 2021, nhà đầu tư tiền kỹ thuật số mất 14 tỷ USD vì ai?
10:42, 08/01/2022