Nhận diện rào cản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

DIỄM NGỌC 04/12/2023 17:00

Theo TS. Cấn Văn Lực, rào cản lớn nhất trên thị trường TPDN cần được nhận diện và tháo gỡ hiện nay là hình thức phát hành, cơ cấu nhà đầu tư, tính công khai minh bạch hay tính tuân thủ pháp luật...

>>Tăng cường khung pháp lý: “Chìa khóa” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường đang dần hồi phục

Thời gian qua, các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng an toàn, lành mạnh và minh bạch. Trong đó gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/3023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu; chỉ đạo đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào vận hành từ ngày 19/7/2023…

Toạ đàm

Toạ đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững"

Tại toạ đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" ngày 4/12, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế đánh giá, đối với thị trường TPDN trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có bốn nhóm chính sách quyết định sự phục hồi đó là: Thứ nhất, Nghị định 08/20023 tháo gỡ những gì đang vướng mắc trong bối cảnh khó khăn của thị trường, cho phép giãn hoãn, đàm phán, quay vòng, phát hành mới TPDN với các điều kiện thuận lợi hơn.

Thứ hai, bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung. Đây là điểm rất quan trọng làm tăng thanh khoản của thị trường. Hiện nay có khoảng 760 mã trái phiếu doanh nghiệp của khoảng 200 tổ chức phát hành đã được đưa lên hệ thống, gấp khoảng 20 - 30 lần so với giai đoạn trước, làm tăng tính công khai minh bạch của thị trường.

Thứ ba, tạo điều kiện tiến tới thị trường lành mạnh hơn như cấp phép thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Thứ tư, các vụ việc vi phạm được xử lý tương đối quyết liệt thời gian qua và Bộ Công an cũng đã công bố kết quả.

Tất cả những điều này đã giúp thị trường đã và đang phục hồi. Đến nay phát hành trái phiếu riêng lẻ khoảng 220.000 tỷ đồng và phát hành ra công chúng là 20.000 tỷ đồng, chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời khối lượng phát hành của tháng sau luôn nhiều hơn tháng trước cho thấy niềm tin đang quay trở lại.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, căn cứ các quy định của Nghị định 08, doanh nghiệp và các trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn.

“Chúng tôi theo dõi, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.

Tại cuộc họp giữa Bộ Tài chính và các hiệp hội, thành viên thị trường mới đây, thành viên thị trường đánh giá rất cao các chính sách của Nghị định 08 vừa kịp thời, vừa tạo khung khổ để nhà đầu tư và doanh nghiệp cùng đàm phán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại khoản nợ hiện hành”, ông Dương nhấn mạnh.

>>Khẩu vị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang thay đổi ra sao?

Nhận diện rào cản và tháo gỡ

Mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành nhưng thị trường TPDN vẫn được đánh giá là chưa đạt như kỳ vọng, còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có vấn đề về minh bạch thông tin; tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; việc thực hiện các cam kết với nhà đầu tư; hay khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn,...

Mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành nhưng thị trường TPDN vẫn được đánh giá là chưa đạt như kỳ vọng

Mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành nhưng thị trường TPDN vẫn được đánh giá là chưa đạt như kỳ vọng

Theo TS. Cấn Văn Lực, rào cản lớn nhất trên thị trường TPDN hiện nay là hình thức phát hành. Theo thống kê, khoảng 90% là phát hành TPDN riêng lẻ và chỉ 10% là phát hành ra công chúng. Đối với phát hành riêng lẻ, thông thường quy trình đơn giản hơn và chỉ chủ yếu phát hành cho một nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đáp ứng các điều kiện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra. Vì vậy cấu trúc này đang rất mất cân đối.

Rào cản tiếp theo là cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân ban đầu chỉ chiếm khoảng 5%, nhưng sau đó lên thị trường thứ cấp thì tăng lên 28,5%. Do đó, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự chuyên nghiệp, còn thiếu hiểu biết, thiếu năng lực đánh giá rủi ro nhưng vẫn tham gia sôi động tới gần 30%.

“Ngoài ra, tính công khai, minh bạch vẫn còn hạn chế và quy trình thủ tục phát hành ra công chúng vẫn tương đối phức tạp. Đây là vấn đề chúng tôi phải kiến nghị để cải tiến hơn nữa quy trình, thủ tục, cũng như quá tình duyệt hồ sơ nhanh hơn đối với phát hành trái phiếu ra công chúng, nhằm mục đích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn thay vì việc chỉ có 10% như hiện nay.

Vấn đề cuối cùng là tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp và của một số nhà đầu tư, chính vì vậy mới xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trong thời gian vừa qua”, ông Lực phân tích.

Về vấn đề này, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhìn từ góc độ tham mưu và làm chính sách, việc vi phạm pháp luật như thời gian vừa qua là các trường hợp rất đáng tiếc. Có những giai đoạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin, đến việc phát hành và thanh khoản của thị trường, đồng thời tác động xấu đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế nói chung. Việc xử lý nghiêm, nhanh, kịp thời là yếu tố quan trọng nhất cho các vấn đề này.

Tuy nhiên nếu nhìn ở chiều hướng tích cực, chính các trường hợp vi phạm như vừa qua, cộng với một số hạn chế có đặc điểm riêng (ví dụ TPDN riêng lẻ có quy mô lớn của nhà đầu tư cá nhân tham gia) đã đưa ra cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá.

Thứ nhất với người làm chính sách, từ các vụ vi phạm, chúng ta có thể rút được một số kinh nghiệm từ việc vi phạm pháp luật, thì đầu tiên phải hiểu nguyên nhân là do thực thi pháp luật. Từ đó cần tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện thực thi, giám sát chính sách chứ không phải sửa đổi chính sách.

Thứ hai, trong thời gian sắp tới nhu cầu hoàn thiện pháp luật có thể có. Ví dụ chúng ta cần rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm của người phát hành và nhà đầu tư trong trường hợp trái phiếu bị vi phạm. Khi “cuộc chơi” được bày trước, thì nhà đầu tư đã biết được mình sẽ có quyền và lợi ích ra sao trong đó.

“Tôi nghĩ một câu chuyện lớn hơn rất nhiều đó là khung pháp luật và thể chế cũng như chất lượng doanh nghiệp phải được nâng cao. Trong đó có nhiều việc phải làm như chất lượng thông tin, báo cáo, quản trị doanh nghiệp,... không chỉ là quy định riêng trên thị trường trái phiếu. Nếu doanh nghiệp thúc đẩy quản trị tốt sẽ tránh được nhiều vấn đề vi phạm pháp luật, vì vậy đây là câu chuyện của cả khung thể chế bao trùm, giúp nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu gợi ý.

Thứ ba, bản thân nhà đầu tư phải tự rút ra bài học khi đưa ra quyết định đầu tư bằng cách nâng cao chuyên môn của mình, chứ không hoàn toàn dựa vào việc mua theo phong trào hay mong muốn có lợi ích cao.

Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nhìn nhận, đối với thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào đều trải qua sự phát triển và những va vấp, để sau đó chỉnh sửa lại các quy định, chính sách hướng đến chuẩn chỉnh hóa quá trình phát triển của mình.

Đây cũng là những cú vấp tương đối tất yếu. Khi nhìn sang các nước xung quanh, trước khi họ đi đến một thị trường TPDN phát triển hoàn thiện thì cũng đã trải qua những vấn đề tương tự.

TPDN là một sản phẩm đi vay và cho vay, nếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nhất định thì thị trường này vũng vận động theo nguyên tắc chung như vậy. Tuy nhiên ở khía cạnh nhà đầu tư, cần có kiến thức đầy đủ, được tiếp cận nguồn thông tin chính xác trên cơ sở khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp, bị xử lý hình sự ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu. Chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ rằng, trái phiếu chỉ là một phần trong vi phạm của các doanh nghiệp này và đây là con số không nhiều so với toàn bộ quy mô thị trường.

“Việc xử lý vi phạm đến thời điểm này đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Đây sẽ là cơ sở, nền tảng để các bên cùng ngồi lạim chuẩn hóa lại khuôn khổ pháp lý và thực hiện. Sau giai đoạn này đến năm 2024-2025, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm để tránh được tối đa các va vấp ở quy mô lớn hơn”, bà Ngọc Anh nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng cường khung pháp lý: “Chìa khóa” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 04/12/2023

  • Khẩu vị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang thay đổi ra sao?

    05:38, 30/11/2023

  • Nghị định 08/2023 và các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    00:35, 29/11/2023

  • Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở lại vào năm 2024

    04:54, 28/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhận diện rào cản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO