Tăng vốn ảo là việc tăng vốn thành công về mặt sổ sách, nhưng dòng tiền thực tế lại không tăng.
Tăng vốn ảo thường thành công với phương thức phát hành riêng lẻ và hoạt động đăng ký mua tất cả các cổ phiếu không phát hành hết cho nhà đầu tư (NĐT). Ngoài ra còn thêm một chiêu nữa là niêm yết cửa sau.
Chiêu trò khó lường
Không phải doanh nghiệp nào cũng trân trọng đồng vốn huy động được theo đúng với tiêu chí đặt ra là để đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Thậm chí, có những doanh nghiệp tăng vốn chẳng hề quan tâm tới hoạt động kinh doanh mà mục tiêu duy nhất là tìm cách biến nguồn tiền đó thành của riêng mình bất cứ giá nào. Câu chuyện cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và XNK khoáng sản miền Trung đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả các NĐT trước khi có sự can thiệp của các cơ quan quản lý.
Giờ đây đã qua rồi cái thời huy động vốn dễ dàng. Bởi vậy, các chiêu trò trên TTCK cũng bắt đầu xuất hiện nhằm thu hút được dòng tiền khổng lồ từ TTCK. Theo đó, hàng năm các doanh nghiệp vẫn xin ý kiến cổ đông tăng vốn, bất chấp tình hình kinh doanh bết bát, thị giá dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp).
Có thể bạn quan tâm
09:01, 02/05/2019
00:00, 31/07/2012
05:06, 25/09/2018
16:00, 26/08/2018
12:30, 22/05/2018
06:10, 03/02/2018
Sau khi có ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ, các doanh nghiệp sẽ chờ đợi thị trường sôi động, rồi công bố kế hoạch này. Sau đó, các thông tin tích cực của doanh nghiệp bắt đầu liên tục xuất hiện, kéo giá cổ phiếu tăng mạnh. Nhiều cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá nhưng đã vượt giá phát hành, tạo ra một khoảng giá chênh lệch. Theo đó, NĐT sẽ buộc lựa chọn nộp tiền hoặc mất đi khoảng chênh lệch đó. Thành công bước đầu đã có nhưng tất nhiên số NĐT am hiểu và thuần túy lướt sóng không nộp. Số cổ phần dư này sẽ được phát hành lại cho một đối tác nào đó.
Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/06/2015 đã có những quy định kiểm soát phát hành tăng vốn ảo, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn lách luật và thực hiện thành công.
Đến lúc này, câu chuyện tăng vốn ảo sẽ bắt đầu khi một vài đối tác nào đó đăng ký mua cổ phần trên. Có những đối tác chỉ vừa mới thành lập hoặc lại có quan hệ với chính doanh nghiệp đó. Bản thân những ông chủ doanh nghiệp đó vốn nắm giữ lượng cổ phần lớn cũng nộp tiền, nhưng sau đó họ sẽ nhanh chóng rút ra bởi nguồn vốn này chủ yếu vốn vay ngắn. Việc nộp tiền như trên chủ yếu che mắt NĐT để họ tin rằng Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng bỏ tiền ra để tham gia đợt phát hành này. Nếu việc tăng vốn này được cơ quan quản lý “thông qua”, coi như thành công về mặt giấy tờ và sổ sách.
Tuy nhiên sau đó, giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó bắt đầu lao dốc mạnh. Bởi vì trong đợt phát hành trên, các đối tác lớn của doanh nghiệp đó không bỏ ra đồng nào, nên việc họ bán mạnh ra bất cứ giá nào. Theo đó, những NĐT ham mê vào sóng của cổ phiếu chính là người chịu thiệt hại lớn nhất.
Dấu hiệu nhận biết
Thực ra, nhận diện chiêu trò tăng vốn ảo không quá khó, nếu kinh nghiệm nhận diện sự vô lý ngay từ kế hoạch phát hành tăng vốn. Còn những NĐT có am hiểu về tài chính sẽ nhận thấy sự bất thường trong báo cáo tài chính gần nhất sau đợt tăng vốn trên. Về nguyên lý kế toán, sau khi phát hành thành công, thì doanh nghiệp tăng vốn ảo sẽ có một lượng tiền mặt thu được đúng bằng số tiền phát hành ra trừ đi một số chi phí phát sinh. Trên báo cáo tài chính quý gần nhất, khoản tiền này sẽ phải được thể hiện ở 2 mục: tiền hoặc tương đương tiền và đầu tư ngắn hạn (tiền gửi).
Để xóa dấu vết tăng vốn ảo, doanh nghiệp đó sẽ phải tìm cách làm biến mất số tiền từ tăng vốn ảo khỏi 2 mục trên bằng nhiều cách khác nhau. Theo đó, trên bảng cân đối kế toán xuất hiện nhiều khoản, như: cho cá nhân vay tiền, khoản phải thu lớn, chuyển tiền đầu tư ngắn và dài hạn vào danh mục nào đó mà không rõ nguồn gốc, tài sản vô hình tăng mạnh…
Ngoài ra còn có một kiểu tăng vốn ảo kinh điển hơn nữa là niêm yết cửa sau mà mới chỉ có một vài doanh nghiệp thực hiện thành công, như CTCP Đầu tư Alphanam, Công ty CP Luyện thép Sông Đà… Chẳng hạn một ông chủ có doanh nghiệp A đang niêm yết và một doanh nghiệp B chưa niêm yết. Trước khi hoán đổi cổ phiếu B thành cổ phiếu A, chủ doanh nghiệp này sẽ tăng vốn mạnh doanh nghiệp B. Trên thực tế, những lần tăng vốn của doanh nghiệp B chẳng có ai kiểm chứng, cũng chẳng mấy NĐT có cơ hội kiểm tra do chưa niêm yết. Sau khi hoán đổi, NĐT hiện hữu sẽ bị thiệt hại lớn do những NĐT lớn từ doanh nghiệp được hoán đổi bán ra, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh.
Mặc dù Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/06/2015 có mục đích kiểm soát chặt hoạt động phát hành riêng lẻ nhằm đảm bảo sự minh bạch cũng như bảo vệ lợi ích của NĐT cá nhân, nhưng hiện nay vẫn còn xuất kiện những chiêu trò tăng vốn ảo. Bởi vậy, cần có sự vào cuộc mạnh tay của các cơ quan quản lý để chặn đứng vấn đề này.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), nhiều Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn, nâng mức xử phạt hành chính như trong dự thảo liệu có đủ tính răn đe, phù hợp với quy mô thị trường trong hiện tại và tương lai? Các quy định về quản trị đối với công ty đại chúng có bám sát quy tắc của OECD về đối xử bình đẳng đối với cổ đông, ngăn cấm giao dịch nội gián hay chưa...?
Các NĐT kỳ vọng, những chiêu trò tăng vốn ảo tại TTCK Việt Nam sẽ cơ bản được giải quyết sau khi Luật chứng khoán sửa đổi được ban hành.