Dù tác động lớn đến nền kinh tế, song COVID-19 cũng được cho là cơ hội để dòng đầu tư nước ngoài chảy mạnh hơn vào Việt Nam.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau COVID-19, xu hướng phân tán rủi ro, sắp xếp lại mạng lưới sản xuất toàn cầu trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn và đây là cơ hội cho Việt Nam.
Kể từ khi COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và lây lan ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định, cùng với phòng chống dịch với “tinh thần như chống giặc” thì phải đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, dịch vụ…
Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp để chống virus của sự trì trệ. Và dù Chính phủ đã xác định là hy sinh một phần tăng trưởng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, nhưng điều đó không có nghĩa, Chính phủ chọn giải pháp “đóng cửa mọi thứ”. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng với mức 6,25% nếu khống chế dịch trong quý I và 5,96% nếu khống chế trong quý II.
Thực tế, sau một năm 2019 thành công toàn diện, thì kinh tế Việt Nam bất ngờ gặp “cú sốc” COVID-19 và ngay lập tức bị ảnh hưởng trong hầu hết lĩnh vực, từ du lịch, xuất nhập khẩu, đến sản xuất,tiêu dùng tăng trưởng kinh tế…
Có thể bạn quan tâm
04:50, 20/02/2020
00:00, 20/02/2020
15:01, 19/02/2020
11:30, 19/02/2020
11:00, 19/02/2020
07:00, 19/02/2020
04:43, 19/02/2020
00:02, 19/02/2020
Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam Trung Quốc là 117 tỷ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (xuất khẩu: 41,5 tỷ USD – chiếm 16%; nhập khẩu: 75,5 tỷ USD – chiếm 30%). Trong đó, 20% xuất khẩu qua đất liền, đang bị đóng băng. Con số này chưa tính đến những giao thương qua con đường tiểu ngạch, như vậy, có thể hình dung được ảnh hưởng lớn đến mức nào.
Một tác động trực tiếp khác là du lịch. Ngành này chúng ta đang trên đà phát triển, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của 30% lượng khách là người Trung Quốc. Việc hạn chế khách Trung Quốc khiến không chỉ ngành du lịch ảnh hưởng mà còn gây hiệu ứng domino nghiêm trọng lên cả chuỗi các ngành, dịch vụ ăn theo như hàng không, khách sạn, nhà hàng...
Tuy nhiên, những cái này chỉ là bề nổi. Tận sâu bên trong, những doanh nghiệp như dệt may, da giày, sản xuất điện thoại, máy tính... cũng sẽ gặp vấn đề trong thời gian tới khi nguyên liệu đầu vào dự trữ trước Tết bị cạn kiệt. Đến quý II, nhiều khả năng sẽ là giai đoạn rất khó khăn của các doanh nghiệp này.
Thẳng thắn mà nói, khi kinh tế Trung Quốc bị lao đao bởi Covid-19, thì kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng, song một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là Việt Nam.
Từ những tác động trực tiếp trên, nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cũng đã khẳng định, dịch COVID-19 khiến chúng ta ngày càng thấm thía rằng, sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường sẽ rủi ro như thế nào.
Điều này được đề cập từ lâu, cũng có rất nhiều giải pháp được đưa ra, song từ nhiều năm qua và ngay cả khi đã có đề án về tự chủ kinh tế, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.
Dù tác động lớn đến nền kinh tế, song COVID-19 cũng được cho là cơ hội để dòng đầu tư nước ngoài chảy mạnh hơn vào Việt Nam.
Bởi vì Việt Nam đã và đang tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), mới nhất là Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA); Đồng thời, Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ đầu tư an toàn bên cạnh Trung Quốc, quốc gia đang chịu ảnh hưởng kinh tế - xã hội hết sức nặng nề của COVID-19.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân nhìn nhận: “Tôi cho rằng thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với châu Âu. Cùng với Hiệp định EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội đón được nguồn đầu tư từ châu Âu với công nghệ tiên tiến, chất lượng cao. Đó là thứ Việt Nam luôn mơ ước. Hiện giờ đấy là điều quan trọng nhất!”
Bên cạnh đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/1/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 5,33 tỷ USD, tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Một cơ hội tiềm năng khác mới nhất là một nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã bày tỏ quan tâm đến các dự án ở Việt Nam đặc biệt là dự án điện khí tự nhiên hóa lỏng tại Việt Nam. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã tiếp xúc, làm việc với nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ - Hàn Quốc hồi giữa tháng 2 và khẳng định luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác, tham gia các dự án năng lượng tại Việt Nam.
Có thể nói, COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Song, nó cũng sẽ tạo thêm động lực để Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, làm sao tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, làm sao để tăng tính tự chủ và tăng được sức “đề kháng” trước các cú sốc từ bên ngoài.
Và điều quan trọng là Việt Nam đang minh chứng cho thế giới giới thấy đất nước hình chữ S vẫn đang là điểm đến an toàn giữa mùa dịch.