Thực tiễn luận nhân đạo Hồ Chí Minh bao gồm hai bộ phận cấu thành, đó là Hệ giá trị nhân đạo và Phương pháp luận thực tiễn.
Bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945 bắt đầu bằng đoạn trích Tuyên ngôn độc lập (1776) của nước Mỹ và Tuyên ngôn Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp. Điều đó cho thấy viễn kiến chính trị, tinh thần quốc tế, và sâu xa hơn là quan điểm thực tiễn của Hồ Chí Minh mà tôi gọi là thực tiễn luận nhân đạo.
Hệ giá trị nhân đạo là sự kết hợp nhuần nhuyễn các giá trị nhân văn Á Đông với nhân luận (Humanism) phương Tây, cho phép giải quyết những mâu thuẫn giữa cá nhân với cộng đồng, truyền thống với hiện tại, dân tộc với quốc tế. Hệ giá trị này được kết tinh trong quốc hiệu của nước Việt Nam mới và sau đó được thể hiện trong Hiến pháp 1946: Dân chủ, Cộng hoà, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Nhìn lại lịch sử và đối chiếu với bối cảnh đất nước hôm nay, chúng ta mới thấm thía ý nghĩa sâu xa của nó. Mục tiêu và tương lai của Việt Nam là gì nếu không phải là năm từ ấy?
Phương pháp luận thực tiễncũng là sự kết hợp giữa minh triết phương Đông với triết học phương Tây. Đó là công cụ để thực hiện các mục tiêu do hệ giá trị quy định. Lấy thực tiễn làm căn cứ để xác định nhiệm vụ, chiến lược, sách lược và đánh giá hoạt động cách mạng, nó không coi nhẹ nhưng cũng không tuyệt đối hóa lý luận, đòi hỏi chúng ta uyển chuyển trong hành động mà không từ bỏ mục đích tối cao, và nhất là không rơi vào giáo điều. Hồ Chủ Tịch thường nhắc câu châm ngôn: "Dĩ bất biến ứng vạn biến".
Quan điểm thực tiễn luận nhân đạo xuất hiện rất sớm và nhất quán trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Khi được Phan Bội Châu mời tham gia phong trào Đông Du, Nguyễn Tất Thành hỏi cha, tại sao người Nhật thành công. Khi ông Sắc đáp rằng họ học được từ phương Tây, Thành bèn từ chối phong trào Đông Du và quyết định học tiếng Pháp[1]. Trong sáng tác, Hồ Chí Minh luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai, viết như thế nào, viết để làm gì? Khi sáng tác văn học thuần tuý, Hồ Chí Minh sử dụng lối văn bác học, tao nhã, đôi lúc thậm chí cầu kỳ, như trong Lời than thở của bà Trưng Trắc, hay Paris, hay trong các bài thơ Đường luật. Nhưng khi cần tuyên truyền cho tầng lớp lao động, Hồ Chí Minh dùng ngôn ngữ mộc mạc, như nhiều bài trên tờ Le Paria, như trong truyện Giấc ngủ mười năm (1949) hay những bài vè kháng chiến. Để phổ biến Quốc tế ca, Hồ Chí Minh sẵn sàng chuyển nó thành thể lục bát.
Quan điểm thực tiễn của Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét trong cách tiếp cận với các học thuyết cách mạng.Hồ Chí Minh luôn coi các học thuyết chỉ là công cụ để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Trong Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, Hồ Chủ Tịch viết: "Tôi tham gia Ðảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các "ông bà" ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) - đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức... Hồi ấy, trong các chi bộ của Ðảng Xã hội, người ta bàn cãi sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lênin?.. Ðiều mà tôi muốn biết hơn cả - và cũng chính là điều mà người ta không thảo luận trong cuộc họp là: vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa? Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Ðó là Quốc tế thứ ba, chứ không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo... Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Ðây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!"[2].
Quan điểm thực tiễn càng rõ trong hoạt động ngoại giao. Những ngày tháng đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, để có thời gian củng cố lực lượng cho chính quyền nhân dân còn non trẻ, Hồ Chủ tịch chủ trương hòa hoãn, nhưng kiên trì mục đích độc lập dân tộc. Nhận rõ thái độ không thiện chí của Pháp trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh đang bắt đầu giữa các cường quốc, Hồ Chủ Tịch thậm chí từng có ý định từ chức để Bảo Đại thay mặt chính phủ thương thuyết nhằm đạt được độc lập dân tộc[3]. Nhờ đường lối khôn khéo, ta đẩy được quân Tàu Tưởng ra khỏi miền Bắc và đạt được thỏa thuận với Pháp tháng Ba năm 1946, trong đó Pháp công nhận Việt Nam là “một Quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, Ngân khố, Quân đội, nằm trong khuôn khổ Liên Bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp", xác lập chính phủ Hồ Chí Minh là "Chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam".[4]
Đầu thập niên 1940, Hồ Chí Minh cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Hoa Kỳ thông qua việc hợp tác với Office of Strategic Services (tiền thân của CIA). Một ngày trước ngày lễ Độc lập, Hồ Chí Minh mời Archimedes Patti, trưởng phái bộ của OSS, và Gréleki đến ăn tối tại Bắc Bộ. Patti kể lại: “Với một giọng thân mật, ông (Hồ Chí Minh) phát biểu mời chúng tôi dự bữa cơm trước ngày lễ Độc lập của Việt Nam, để tỏ lòng biết ơn của cá nhân ông và các đồng sự của ông trong Chính phủ đối với Mỹ về sự ủng hộ vật chất và tinh thần mà phong trào của ông đã nhận được trong những năm gần đây (...)[5]
Nhưng ví dụ rõ nhất và cũng đáng suy ngẫm nhất cho chúng ta hiện nay là quan điểm của Hồ Chí Minh về Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh chủ trương Đảng là đảng của mọi người Việt Nam yêu nước và nhà nước Việt Nam phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Cũng theo lời Patti, trong bữa cơm trước lễ độc lập vừa nói ở trên, Hồ Chí Minh “giữ vững quan điểm là trong lúc đặc biệt này, Việt Minh là một “phong trào dân tộc, bao gồm một cách dân chủ tất cả các đảng phái cách mạng Việt Nam”.
Tất nhiên, Đảng Cộng sản Đông Dương là một nhân tố lãnh đạo trong phong trào giành độc lập dân tộc, nhưng các đảng viên của họ “trước hết phải là người dân tộc chủ nghĩa, sau đó mới là đảng viên của đảng”. Quan điểm này được Hồ Chí Mình nhắc lại trong một cuộc họp báo đầu năm 1946: "Chúng ta, chúng tôi chỉ có một Ðảng, Ðảng Việt Nam"[6].
Trước đó, ngày 11/11/1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ Tịch, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã quyết định tự giải tán và đổi thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Đông Dương. Sau này, năm 1951, khi xuất hiện trở lại, Đảng lấy tên là Đảng Lao Động Việt Nam. Sự thay đổi tên Đảng, cũng như việc lấy tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không đơn thuần là một sách lược, mà còn là tuyên ngôn của Hồ Chí Minh dựa trên tư tưởng chiến lược xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Theo tư liệu, năm 1941, Việt Minh và tổ chức vũ trang mới được thành lập là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân rất cần vũ khí để chống lại phát xít Nhật. Vào thời điểm này, Mỹ cũng tuyên chiến và đặt mục tiêu đánh bại Nhật trên khắp chiến trường châu Á – Thái Bình Dương. Họ rất có nhu cầu tìm đồng minh chống Nhật để thu thập thông tin tình báo và cứu giúp phi công Mỹ gặp nạn. Tháng 3/1945, chiếc máy bay Mỹ do ông Rudolph Shaw lái bị quân Nhật bắn rơi tại Cao Bằng. Ông Shaw được Việt Minh cứu và chữa trị vết thương. Tuy công việc bận rộn nhưng đích thân Bác Hồ đã đưa ông sang Côn Minh để trao trả trực tiếp cho tướng Claire Chennault – Chỉ huy lữ đoàn không quân “Cọp bay” của quân đội Mỹ. Với việc trực tiếp đưa phi công Mỹ sang Côn Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp thành công sứ mệnh nhân đạo với sứ mệnh ngoại giao. Thông qua cuộc gặp mặt với tướng Claire Chennault, Người đã xác định được tính chính danh và khuếch trương thanh thế của Việt Minh trong khu vực và trên thế giới. Sau chuyến đi ấy, Mỹ và Việt Nam đã trở thành đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít Nhật. Quân đội Mỹ đã cử đội “Con Nai” gồm một số sĩ quan OSS (tiền thân của CIA) nhảy dù xuống Cao Bằng để giúp đỡ về quân sự cho Việt Minh theo yêu cầu của Bác Hồ. |
[1] William J. Duiker, Ho Chi Minh, New York: Hyperion, 2000, 27.
[2] Hồ Chí Minh, Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin, Báo Nhân dân, số 2226, ngày 22-4-1960; <http://www.nuocnga.net/>
[3] Duiker, 359.
[4] William L. Griffen và John Marciano, Teaching the Vietnam War, Allanheld: Osmun, Montclair, 1979, 58-59.
[5] Patti, Archimedes, Tại sao Việt Nam, Lê Trọng Nghĩa dịch, Nxb Đà Nẵng. Chương 25: “Trước ngày lễ Độc lập”
[6] Vũ Đình Hòe: Hiến pháp 1946, công cụ màu nhiệm để đoàn kết toàn dân, http://www.nhandan.com.vn/>