Nhiều chuyện về nhân tài có thể rút ra một điều, môi trường làm việc mới quan trọng. Nhân tài - họ sợ nhất là làm tôi tớ của kẻ bất tài, thu hút nhân tài cũng cần những người thật sự tài.
Người xưa đúc kết “văn ôn võ luyện”, người học võ phải có sàn đấu để khẳng định thứ bậc, người học văn không thường xuyên ôn lại sẽ quên. Nhân tài cũng vậy, nếu không có môi trường thi thố lâu ngày sẽ thui chột.
Nguyễn Hà Đông nổi lên như một hiện tượng lập trình game mang đẳng cấp thế giới. Nhưng sau nhiều lùm xùm, có người mách nước anh nên đăng ký khởi nghiệp ở Singapore để tránh phiền hà! Giáo sư Trương Nguyện Thành vì không đủ chuẩn làm hiệu trưởng trường đại học Hoa Sen nên khăn gói trở về Mỹ. Rất nhiều trường hợp “không đậu” vì đất “chẳng lành”.
Có thể bạn quan tâm
06:25, 10/07/2018
06:18, 28/06/2018
13:36, 21/06/2018
17:04, 11/06/2018
11:30, 26/05/2018
05:30, 24/05/2018
02:32, 22/05/2018
11:02, 08/05/2018
11:00, 07/05/2018
10:03, 27/04/2018
Thu hút và giữ chân nhân tài cứ lâu lâu lại trở thành chủ đề “nóng” rồi đâu lại vào đấy, chưa thấy ai so sánh bao nhiêu người ra đi, bao nhiêu người ở lại. Dường như vẫn thiếu vắng câu trả lời, nhân tài cần gì? Nguyễn Hà Đông, Trương Nguyện Thành và hơn chục quán quân Olympia cần gì? Vì sao họ “tắc đường”, quyết định không ở lại. Có phải vì tiền?
Ai mà chẳng cần tiền, thực tế hơi phũ phàng nhưng nhân tài là những người đặc biệt nên cần được đối xử đặc biệt, thứ đặc biệt với nhân tài dĩ nhiên có nhiều thứ không liên quan trực tiếp đến tiền. Thứ người tài cần nhất là môi trường để phát huy hết khả năng, tạo dựng sự nghiệp danh tiếng cho bản thân, lúc có danh tiếng và uy tín nghề nghiệp thì vật chất tự nhiên đến như một điều đương nhiên. Nhiều tỉnh thành ban hành đề án thu hút nhân tài kèm theo mức thưởng, hỗ trợ ban đầu, nhưng chưa thấy đề án nào hứa hẹn môi trường làm việc chuyên nghiệp, những cống hiến được ghi nhân và có cơ hội thăng tiến.
TP HCM mới đây tuyên bố thưởng một tỷ đồng cho nhân tài đặc biệt. Một tỷ đồng hiện tại khoảng 45 ngàn USD. Thử xem số tiền này lớn hay nhỏ so với mức lương của tiến sĩ ở Mỹ.
Theo thống kê của Indeed, lương tiến sĩ ở Mỹ nằm trong khoảng rất rộng, từ 56 đến 125 ngàn đô khi giảng dạy, nghiên cứu bậc đại học. Những tiến sĩ làm công ty, doanh nghiệp có thể thu nhập 200 đến nửa triệu đô. Tiến sĩ “thứ thiệt” ở Mỹ về Việt Nam có thể được xem là nhân tài, để họ đi nửa vòng trái đất, nhận mức thưởng 45 ngàn đô và nhận lương hàng tháng vài trăm đô, chưa biết môi trường làm việc có đủ đáp ứng yêu cầu của nhân tài!
Rất nhiều nhân tài ở Đà Nẵng được ươm mầm rất bài bản nhưng sau khi vào công sở, hàng chục người bỏ ra, thành phố này phải chi tiền “động viên” lãnh đạo nhiều cấp, ngành nghỉ hưu non để nhường chỗ. Nhiều chuyện về nhân tài có thể rút ra một điều, môi trường làm việc mới quan trọng.
Nhân tài - họ sợ nhất là làm tôi tớ của kẻ bất tài, thu hút nhân tài cũng cần những người thật sự tài. Lưu Bị 3 lần đến lều tranh sụp lạy mời Gia Cát Lượng ra làm quân sư, cái tứ ở đây không phải Gia Cát Lượng cao ngạo mà muốn thử lòng quân tử. Thu hút nhân tài không phải chỉ bằng văn bản được tô son trát phấn, mà là thái độ làm cho nhân tài không thấy tủi thân.
Nhân tài không thể lượng hóa bằng tiền, vì những gì nhân tài đóng góp thực sự không mua được bằng tiền, mà nhiều khi đó là bộ mặt quốc gia, danh dự dân tộc.
Thiết nghĩ, tạo dựng được môi trường làm việc thông thoáng quan trọng hơn quy định về mức thưởng, phụ cấp. Nhân tài - nếu không được cống hiến sẽ trở thành vô dụng.
Quản lý con người đã khó, sử dụng nhân tài còn khó hơn. Thu hút nhân tài là nhiệm vụ của cả hệ thống chứ không phải đơn lẻ tửng ngành từng địa phương. Các chỉ số phát triển của một quốc gia có ý nghĩa quyết định nhân tài ở hay đi.