Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường cạnh tranh với các công ty Nhật Bản để giành lấy cơ hội trong khu vực.
>> Hình mẫu Nhật Bản trong an ninh kinh tế châu Âu
Một số nhà quan sát đã đặt ra câu hỏi có hay không việc Nhật Bản từ bỏ cuộc đua xây dựng cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á kể từ khi có nguồn tin cho rằng vào tháng trước các công ty Nhật Bản đã rút khỏi cuộc đấu thầu xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa Malaysia và Singapore, một dự án nổi tiếng trị giá hơn 15 tỷ USD.
Tuyến đường này từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Chín năm trước, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản đã đích thân giới thiệu hệ thống shinkansen của Nhật Bản với các quan chức Malaysia trong chuyến thăm Kuala Lumpur.
Theo báo chí Malaysia đưa tin, 7 tập đoàn đã tham gia đấu thầu dự án, trong đó có một số tập đoàn liên quan đến các công ty nhà nước Trung Quốc. Điều này phần nào cho thấy sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty nhà nước Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng đường sắt ở Đông Nam Á.
Trong số các dự án, nổi bật nhất là tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào được khai trương năm ngoái, kết nối với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam với Viêng Chăn. Tuyến đường sắt dài 1.000 km đã thúc đẩy đáng kể hoạt động thương mại và du lịch giữa hai nước.
Tương tự, tuyến tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á dài 140 km giữa Jakarta và Bandung, Indonesia cũng được khai trương vào năm ngoái. Với sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty Nhật Bản đã cạnh tranh gay gắt với các đối thủ Trung Quốc để giành quyền xây dựng dự án, nhưng cuối cùng không thể sánh được với giá chào thầu mà Bắc Kinh đưa ra.
Ông Guanie Lim, Trợ lý Giáo sư nghiên cứu phát triển tại Viện nghiên cứu chính sách quốc gia ở Tokyo nhận định, vấn đề tài chính dường như cũng đóng một vai trò trong quyết định của các công ty Nhật Bản khi tham gia đấu thầu trong các dự án cơ sở hạ tầng tại một số nước Đông Nam Á. Trên thực tế, Nhật Bản luôn đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, trong đó có các lĩnh vực như phát triển cảng, xây dựng tàu điện ngầm và năng lượng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng năng lượng, thị phần của các công ty Nhật Bản đang tăng lên ở một số nước trong những năm gần đây - bên cạnh thị phần của các công ty Trung Quốc. Đối với các nhà hoạch định chính sách Indonesia, cả công ty Nhật Bản và Trung Quốc đều có thể cung cấp công nghệ và vốn có giá trị để giúp cung cấp năng lượng tốt hơn cho các vùng sâu, vùng xa trên quần đảo rộng lớn này.
>> Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản "quay lưng" với kinh tế Trung Quốc
Hơn nữa, ông Lim cho biết, dù thị trường cơ sở hạ tầng Đông Nam Á có thể đang thay đổi, nhưng Nhật Bản vẫn là một nền kinh tế hùng mạnh trong khu vực và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Điều này có lẽ được thấy rõ nhất trong lĩnh vực ô tô, nơi các thương hiệu Nhật Bản vẫn chiếm 80% doanh số bán xe mới bất chấp nhu cầu xe điện của Trung Quốc ngày càng tăng.
Sự thành công của các thương hiệu như Toyota và Honda trong khu vực có thể là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, mạng lưới đại lý và trung tâm dịch vụ rộng khắp cũng như giá trị bán lại của xe luôn ở mức cao.
Động lực tương tự cũng đang diễn ra trong các lĩnh vực, như bán lẻ và hàng tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á. Ví dụ, Aeon là nhà bán lẻ lớn thứ hai ở Malaysia và đang tăng gấp ba lần sự hiện diện tại Việt Nam, nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường trung lưu.
Mặc dù ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, nhưng điều này không có nghĩa sự hiện diện của các doanh nghiệp Nhật Bản đang mờ dần.
Với nền kinh tế Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng, tất cả các bên liên quan có thể tìm thấy cơ hội để cùng nhau phát triển và khai thác các tiềm năng mới trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
Hình mẫu Nhật Bản trong an ninh kinh tế châu Âu
03:30, 11/02/2024
Củng cố quan hệ hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam - Nhật Bản
03:04, 31/01/2024
Kỳ vọng trái cây Nhật Bản được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam
10:47, 18/01/2024
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản "quay lưng" với kinh tế Trung Quốc
04:00, 17/01/2024