Nhật Bản toan tính gì khi "bắt tay" với Nam bán cầu?

CẨM ANH 06/01/2024 03:30

Nhật Bản đang nỗ lực tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu thông qua việc thúc đẩy kết nối với khu vực Nam bán cầu.

>> Lý do Nhật Bản gần gũi ASEAN hơn các cường quốc khác

Các nhà lãnh đạo G7 và đại diện của EU chụp ảnh chung tại Hiroshima, Nhật Bản,

Các nhà lãnh đạo G7 và đại diện của EU chụp ảnh chung tại Hiroshima, Nhật Bản

Năm ngoái, Nhật Bản, với tư cách là Chủ tịch của Nhóm G7, đã hợp tác với Ấn Độ, khi đó là Chủ tịch của G20, để xây dựng cầu nối giữa các nước phát triển với các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Việc tăng cường mối quan hệ với Nam bán cầu là yếu tố trung tâm trong nỗ lực này của Nhật Bản, và đã được nêu rõ trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5 năm ngoái.

Sự tham gia bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và cuộc đối thoại trực tiếp giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà lãnh đạo G7 đã tạo ra một diễn đàn vượt xa cuộc đối thoại thông thường của các hội nghị thượng đỉnh trước đây. Việc Nhật Bản tập trung vào Nam bán cầu tại hội nghị được giới quan sát đánh giá là mang lại dấu hiệu tích cực trong bối cảnh tình hình toàn cầu ngày càng hỗn loạn.

Tuy nhiên, theo ông Hiroyuki Suzuki, chuyên gia thuộc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, sự phát triển này không làm thay đổi xu hướng lớn toàn cầu. Ngoài sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, tình hình địa chính trị toàn cầu ngày càng trở nên bất ổn, với việc Nga tấn công Ukraine, xung đột Israel-Hamas....

"Có một sự đồng thuận chung là thế giới đang ở trong tình trạng bất ổn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Trong bối cảnh này, Nhật Bản cần suy nghĩ một cách chiến lược về các giải pháp mà nước này có thể đưa ra vào năm 2024", ông nói thêm.

Nam bán cầu đã trở thành một từ thông dụng ở Nhật Bản, nhưng hiện nay khái niệm này chưa thâm nhập đủ sâu vào quốc tế. Trong bối cảnh này, chính phủ Nhật Bản tìm cách thúc đẩy Tầm nhìn Nam bán cầu năm 2024 để xây dựng và phát triển hơn nữa những thành tựu của hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái.

Tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi năm 2016, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe lần đầu tiên nói đến khái niệm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” sau đó bắt đầu nhanh chóng lan rộng ra quốc tế. Vào tháng 11 năm 2017, để đáp lại bài phát biểu của ông Abe khi đó, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Sau đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên khuôn khổ này. Các chính phủ khác, bao gồm ASEAN, các nước lớn ở châu Âu và Canada cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng họ.

>> Hé lộ các ưu tiên trong "Tầm nhìn mới" của Nhật Bản

Thủ tướng Ấn Độ Narrenda Modi và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Thủ tướng Ấn Độ Narrenda Modi và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Điều đáng chú ý là một số nhà quan sát coi thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như một khuôn khổ nhằm cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Hơn 10 năm kể từ khi ra mắt, BRI đã bị chỉ trích vì tạo ra bẫy nợ. Khi nền kinh tế trong nước của Trung Quốc chịu áp lực, BRI cũng mất đà.

Trong khi đó, tầm quan trọng của việc tăng cường sự phối hợp toàn cầu để hỗ trợ các nước mới nổi và đang phát triển ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, các lựa chọn thay thế cho BRI, chẳng hạn như Quan hệ đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của G7 và Sáng kiến "Cửa ngõ toàn cầu" của EU, vẫn chưa được các nước phát triển chấp nhận rộng rãi và vẫn chưa xây dựng được nền tảng vững chắc tương đương với BRI.

"Trong bối cảnh này, Nhật Bản nên củng cố các hỗ trợ cơ sở hạ tầng chất lượng cao mà nước này đã phát triển cùng với khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở vào Tầm nhìn phía Nam bán cầu", ông Suzuki lưu ý.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng, khi Nhật Bản thực hiện Tầm nhìn Nam bán cầu, khu vực công và tư nhân của Nhật Bản nên tăng cường nỗ lực một cách chiến lược nhằm kết nối nhu cầu của các nước tham gia với các chiến lược phát triển kinh doanh và dịch vụ của ngành công nghiệp Nhật Bản. Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là cung cấp các giải pháp kinh doanh, bao gồm cả dịch vụ tài chính, bên cạnh các sản phẩm được sản xuất.

Trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản nên mở rộng hỗ trợ tăng cường cơ sở hạ tầng thông tin và viễn thông mở; Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng 5G để có thể tạo cơ hội kinh doanh cho các công ty Nhật Bản.

Để thiết lập sự hiện diện toàn cầu, ông Suzuki cho rằng, khu vực công và tư nhân của Nhật Bản nên tăng cường đầu tư ra nước ngoài để tăng cường cạnh tranh, qua đó thể hiện khả năng hành động để đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy kết nối với khu vực Nam bán cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Lý do Nhật Bản gần gũi ASEAN hơn các cường quốc khác

    Lý do Nhật Bản gần gũi ASEAN hơn các cường quốc khác

    04:00, 19/12/2023

  • Vì sao ASEAN cần thu hút

    Vì sao ASEAN cần thu hút "viện trợ xanh" từ Nhật Bản?

    03:30, 13/12/2023

  • Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng cải thiện lợi nhuận kinh doanh

    Hơn 50% doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng cải thiện lợi nhuận kinh doanh

    00:30, 12/12/2023

  • Vì sao ASEAN cần củng cố quan hệ với Nhật Bản?

    Vì sao ASEAN cần củng cố quan hệ với Nhật Bản?

    04:00, 27/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhật Bản toan tính gì khi "bắt tay" với Nam bán cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO