Tự biến mất, tự cắt đứt liên lạc thì những nhân viên đó đã tự coi thường mình, đã tự cắt mất đi niềm tin của mọi người dành cho họ.
Nhảy việc là một hiện tượng đang ngày càng trở nên khá phổ biến trong lớp trẻ. Đó tất nhiên là điều bình thường khi sức lao động đã được coi là hàng hóa và xã hội đã hình thành nên một thị trường lao động. Tuy nhiên nhảy việc thế nào cho văn minh thì không phải bạn trẻ nào cũng để ý.
Nhảy việc là một hiện tượng bình thường trên thị trường lao động.
Đánh giá thấp bản thân?
Tôi không phản đối người lao động nhảy việc. Nhảy việc có mặt tích cực của nó là tạo điều kiện để người lao động trải nghiệm, tích lũy thêm được kinh nghiệm công tác. Tuy nhiên nhảy việc chính đáng hay nhảy việc một cách tùy tiện hoàn toàn khác nhau.
Cách đây ít năm, tôi tuyển một người quen cùng quê vào một vị trí quan trọng trong công ty của tôi. Sau thử việc, thấy bạn ấy cũng khá, nên tôi có ý sẽ đầu tư bài bản, lâu dài cho bạn ấy. Tôi dẫn bạn này đi tiếp khách thường xuyên để tạo quan hệ và mở rộng tầm nhìn cho cậu ta.
Công việc đang ngon trớn thì một bữa cậu xin nghỉ về quê vài ngày, hứa hẹn sẽ sắp xếp công việc ở nhà để vào gắn bó, đồng hành cùng công ty. Vậy mà, sau khi về quê, cậu vào và không đến công ty luôn, gọi điện không bốc máy. Báo hại, tôi phải tổ chức toàn bộ lại công việc. May mà cũng kịp có người thay thế ngay sau đó không lâu và cô bé này nay đã khá thành công.
Một anh bạn thân của tôi phụ trách nhân sự một công ty lớn. Cùng quê anh ấy có cậu nhỏ nhà nghèo nhưng chăm học và thể hiện năng lực rất khá. Thương cậu chịu khó chịu khổ, bạn tôi tuyển cậu vào một vị trí cho dự án mới của công ty. Công việc đang yên lành thì cậu này cũng xin về quê thăm gia đình rồi cũng biến mất không tăm tích. Vị trí của cậu ấy trong dự án tất nhiên phải chuyển ngay qua cho người khác song không tránh khỏi đã trục trặc mất thời gian. Bạn tôi lúc đó méo mặt, chả biết viện lý do gì để giải thích với sếp.
Ảnh minh họa.
Mới vài ngày trước, một người bạn khác cũng than thở tình trạng vài nhân viên mới tự dưng biến mất dù trước đó để nhận được công việc đó là không dễ dàng với họ. Có người còn phải nhờ ba mẹ, người quen sắp xếp để được nhận vào làm.
Tôi không hiểu sao các bạn trẻ bây giờ quan niệm quá đơn giản về việc này như vậy? Có thể những người này nghĩ là mình lính mới chưa quan trọng lắm với công ty nên có mình hay không, không sao cả, thích thì làm không thích thì nghỉ. Nếu thế thì họ chưa biết là tất cả mọi vị trí công việc dù lớn hay nhỏ đều quan trọng, rất ít doanh nghiệp tuyển người mà chả để làm gì (trừ các doanh nghiệp nhà nước trong một số trường hợp buộc phải nhận).
Có thể bạn quan tâm
|
Đánh giá thấp vị trí công việc?
Bất cứ thay đổi nào về nhân sự cũng có thể làm thay đổi kế hoạch của doanh nghiệp. Với tâm thế như vậy thì nhân viên đó đã tự đánh giá mình quá thấp không đáng gì cho doanh nghiệp. Và trong trường hợp này thì doanh nghiệp mất những người như vậy không có gì phải tiếc nuối!
Cũng có trường hợp các bạn nhận ra công việc không phù hợp với mình, hoặc đánh giá mình cao hơn công việc đang đảm nhiệm nên họ phải đi để có cơ hội tốt hơn. Điều đó có thể không sai. Thực ra, đối với doanh nghiệp mọi vị trí đều có thể thay thế được, không ai là không thể thay thế. Nhưng các bạn cần hiểu, một lời nói trước để doanh nghiệp chủ động sắp xếp là cần thiết và văn minh hơn rất nhiều.
Nhiều khi chỉ là những nhân sự thử việc ra đi cũng ảnh hưởng rất xấu đến công việc của doanh nghiệp. Tự biến mất, tự cắt đứt liên lạc thì những nhân viên đó đã tự coi thường mình, tự cắt mất đi niềm tin của mọi người dành cho họ. Sau này nếu gặp lại nhau sẽ khó ai tin tưởng họ nữa. Những nhận xét về sự ấu trĩ, bất tín của sếp hay đồng nghiệp cũ sẽ rất tai hại đối với bạn. Đó là chưa kể sẽ có những vấn đề pháp lý có thể xảy ra nếu thiệt hại cho doanh nghiệp là nghiêm trọng.
Chưa kể, nếu như bạn nhảy việc nhiều lần sẽ khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy không an tâm. Họ cho rằng bạn là người không đáng tin cậy và sẽ không gắn bó cùng công ty trong thời gian dài. Thêm nữa, nhiều nhà tuyển dụng cũng sẽ phải nghi ngờ về chuyên môn và tính cách của bạn. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao bạn lại không thể làm lâu dài mà hay nhảy việc? Bạn không đủ trình độ chuyên môn đáp ứng công việc hay tính cách bạn khó hòa đồng? Cả hai trường hợp đó đều làm bạn mất điểm không nhỏ.
Với tư cách một nhà quản lý doanh nghiệp, tôi khuyên các bạn trẻ hãy cân nhắc thật ký trước khi nhảy việc. Và nhảy việc cũng nên được thực hiện một cách đàng hoàng, công khai theo đúng luật pháp về lao động.
Với các lãnh đạo công ty cần luôn có phương án nhân sự toàn diện, chủ động đối phó với hiện tượng nhảy việc, nhất là đối với các nhân sự giàu tiềm năng. Chế độ đãi ngộ đúng đắn, thỏa đáng chắc chắn là biện pháp quan trọng hàng đầu giữ chân người giỏi.
Một khảo sát mới đây của Navigos Group cho thấy, lương thưởng là yếu tố hàng đầu khi những nhân viên đưa ra quyết định có tiếp tục làm việc ở công ty này hay chuyển sang công ty khác. 71% ứng viên cho biết họ coi tài chính cá nhân là thước đo của sự phát triển trong công việc. 41% cho biết họ chuyển sang công ty khác, trước hết là do chế độ lương và phúc lợi tốt hơn. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, tại Việt Nam, có tới 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty.
Điều đó cho thấy mức độ gắn bó thấp của lớp trẻ ngày nay với doanh nghiệp. Điều đó cũng đủ thấy, chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải đau đầu thế nào trước trào lưu nhảy việc.