Nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp KHCN phát triển

Nguyễn Long 15/02/2019 01:40

Trong tháng 3 tới, các doanh nghiệp khoa học công nghệ được nhận nhiều hỗ trợ về chính sách như ưu đãi về thuế, tín dụng, hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ.

Nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp KHCN phát triển

Nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển

Miễn giảm thuế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tuy nhiên, để được ưu đãi trên, năm tài chính của doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện về doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Điều kiện, thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế.

Có thể thấy, điều kiện để được miễn, giảm thuế đã có phần bớt khắt khe hơn so với quy định tại Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007. Khi đó, doanh nghiệp  KHCN muốn nhận được ưu đãi về thuế thu nhập phải đáp ứng điều kiện: Doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN trong năm thứ nhất từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ hai từ 50% tổng doanh thu trở lên, năm thứ ba trở đi từ 70% tổng doanh thu trở lên. Điều này theo phía doanh nghiệp là khó thực hiện bởi phần lớn các doanh nghiệp KHCN đều còn nhỏ lẻ, manh mún, tiềm lực chưa cao, không đáp ứng được điều kiện này.

Nghị định cũng quy định: Doanh nghiệp KHCN được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiếp nhận hồ sơ của người sử dụng đất theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ khi xác định diện tích đất được miễn, giảm cho mục đích khoa học và công nghệ. Thủ tục, hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước thực hiện theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất và quản lý thuế.

Hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm

Nghị định 13/2019 đã giúp hỗ trợ giải quyết một trong những khó khăn lâu nay của các doanh nghiệp KHCN đó là nghiên cứu và thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ. Bởi trong thực tế, quá trình thương mại hóa các kết quả khoa học gặp nhiều rào cản, như: quy định về công nhận sản phẩm mới, tâm lý e ngại từ người tiêu dùng, khó thương mại hóa các sản phẩm hướng tới những đối tượng thu nhập thấp, vấn đề bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ….

Trong tọa đàm về định hướng và giải pháp để KH-CN trở thành động lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đầu tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhận định: cần có chính sách để doanh nghiệp “đua nhau” đầu tư vào nghiên cứu, phát triển. Doanh nghiệp nào đầu tư nhiều cho KH-CN sẽ được ưu đãi về thuế, được ưu tiên phân bổ nguồn lực. “Nền KH-CN của đất nước phải dựa trên một chính sách kinh tế minh bạch về phân bổ nguồn lực, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy KH-CN phát triển”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Với nghị định 13/2019, doanh nghiệp KHCN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Doanh nghiệp KHCN được sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả KHCN, doanh nghiệp KHCN được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho doanh nghiệp KH-CN chưa tập trung nhiều vào việc hỗ trợ thương mại hóa thành công các kết quả KH-CN. Chính sách phát triển thị trường KH-CN chủ yếu tập trung vào việc tổ chức các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ và phát triển các tổ chức dịch vụ trung gian, mà chưa có những hỗ trợ trực tiếp dành cho doanh nghiệp KH-CN để thương mại hóa sản phẩm, như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, ưu đãi về cấp phép lưu hành sản phẩm, ưu đãi về vay vốn để sản xuất các sản phẩm KH-CN

Trong thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp KHCN đã tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội rõ nét, không những tạo công ăn việc làm, mà còn tạo ra xu hướng phát triển KHCN trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp KHCN phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO